Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí tài chính.
Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 về GDĐT trong hoạt động tài chính và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23/2/2007 về GDĐT trong hoạt động tài chính hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Theo Nghị định 165/2018/NĐ-CP, “GDĐT trong hoạt động tài chính” là GDĐT giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong các loại hoạt động nghiệp vụ: Ngân sách nhà nước, ngân quỹ nhà nước, thuế, phí, lệ phí, thu khác của ngân sách nhà nước, dự trữ nhà nước, tài sản công, các quỹ tài chính nhà nước, đầu tư tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính hợp tác xã, hải quan, kế toán, quản lý nhà nước về giá, chứng khoán, dịch vụ tài chính, dịch vụ kế toán, dịch vụ kiểm toán, kinh doanh bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Việc thực hiện các hoạt động nghiệp vụ này theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
GDĐT trong hoạt động tài chính thuộc thủ tục hành chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong GDĐT trong hoạt động tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử
Điều 5 Nghị định 165/2018/NĐ-CP quy định chứng từ điện tử (CTĐT) phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quản lý nhà nước, phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành. Hình thức thể hiện, việc khởi tạo, gửi, nhận chứng từ điện tử và giá trị pháp lý của CTĐT được thực hiện theo Luật GDĐT.
CTĐT có giá trị là bản gốc khi được thực hiện một trong các biện pháp sau:
CTĐT được ký số bởi cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khỏi tạo CTĐT và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Hệ thống thông tin có biện pháp bảo đảm toàn vẹn CTĐT trong quá trình truyền gửi, nhận, lưu trữ trên hệ thống; ghi nhận cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đã khởi tạo CTĐT và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan đã tham gia xử lý CTĐT và áp dụng một trong các biện pháp sau để xác thực cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi tạo CTĐT và cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm liên quan tham gia xử lý CTĐT: xác thực bằng chứng thư số, xác thực bằng sinh trắc học, xác thực từ hai yếu tố trở lên, trong đó có yếu tố là mã xác thực dùng một lần hoặc mã xác thực ngẫu nhiên.
Biện pháp khác mà các bên tham gia giao dịch thống nhất lựa chọn, bảo đảm tính toàn vẹn của dữ liệu, tính xác thực, tính chống chối bỏ, phù hợp với quy định của Luật GDĐT.
Chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử
Ảnh mang tính chất minh họa
Phương thức chuyển đổi từ chứng từ giấy sang CTĐT được Nghị định 165/2018/NĐ-CP quy định như sau: Chứng từ giấy được chuyển thành điện tử bằng hình thức sao chụp và chuyển thành tệp tin trên hệ thống thông tin; Nội dung của chứng từ giấy được chuyển thành dữ liệu để lưu vào hệ thống thông tin.
CTĐT được chuyển đổi từ chứng từ giấy phải đáp ứng các điều kiện sau: Phản ánh đầy đủ nội dung của chứng từ giấy; Cá nhân hoặc cơ quan, tổ chức thực hiện (hoặc chịu trách nhiệm về) việc chuyển đổi chứng từ giấy thành CTĐT ký số trên CTĐT sau khi được chuyển đổi từ chứng từ giấy hoặc được xác thực bằng một trong các biện pháp xác thực quy định tại điểm b khoản 2 Điều 5 của Nghị định này.
CTĐT được chuyển đổi từ chứng từ giấy có giá trị như chứng từ giấy trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
Chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể in CTĐT do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khởi tạo và chủ quản hệ thống thông tin có thể in CTĐT của cơ quan, tổ chức, cá nhân do mình quản lý từ hệ thống thông tin để lưu trữ, đối chiếu thông tin hoặc xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông tin về chứng từ hoặc cung cấp cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin trong phạm vi quy định của pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu chủ quản hệ thống thông tin xác nhận việc thực hiện GDĐT dưới dạng giấy để xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra thông tin về chứng từ hoặc cung cấp cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin trong phạm vi quy định của pháp luật. Việc yêu cầu và xác nhận này khi được thực hiện tại cơ quan nhà nước phải tuân thủ quy định, trình tự, thủ tục về cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Chứng từ giấy được chuyển đổi từ CTĐT phải đáp ứng các điều kiện sau: Phản ánh đầy đủ, chính xác nội dung của CTĐT; Có thông tin thể hiện chứng từ đã được xử lý trên hệ thống thông tin và tên của hệ thống thông tin hoặc tên của chủ quản hệ thống thông tin; Có mã định danh của CTĐT để phục vụ việc tra cứu, xác minh thông tin hoặc có họ tên, chữ ký của người thực hiện chuyển đổi; Có con dấu của cơ quan, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi trong trường hợp phải thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận giữa các bên giao dịch; Tra cứu được tại bất kỳ thời điểm nào trong thời gian hệ thống thông tin hoạt động bình thường.
Chứng từ giấy được chuyển đổi từ CTĐT có giá trị như CTĐT trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác./.