Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Do đó, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng, triển khai đồng bộ các biện pháp và kiên quyết đấu tranh từng bước đẩy lùi tệ nạn trên. Nội dung này được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Biện pháp đấu tranh rất tích cực nhưng còn diễn biến phức tạp
Chỉ thị số 17/CT-TTg nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, thời gian qua, các bộ ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng, tích cực triển khai các biện pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Qua đó, đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ việc vi phạm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất trong nước và an ninh trật tự.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp, vi phạm diễn ra ngày một đa dạng với phương thức, thủ đoạn tinh vi, phạm vi rộng từ thành thị đến nông thôn, miền núi. Các đối tượng vi phạm đã lợi dụng những bất cập về cơ chế chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nói trên.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của dịch vụ internet và hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội khiến người tiêu dùng dễ dàng tiếp nhận thông tin và thực hiện việc mua bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trong đó có rất nhiều thông tin không chính xác về công dụng của nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vị thuốc y học cổ truyền và đã kích thích nhu cầu sử dụng các sản phẩm này ngày càng gia tăng mạnh trên thị trường. Thực tế này đáng báo động, đã gây ra những tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng, làm nhiễu loạn thị trường, tổn hại sản xuất kinh doanh.
Trách nhiệm bộ ngành, địa phương
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các sở ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc quản lý chặt chẽ các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Xây dựng kế hoạch đấu tranh cụ thể đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng. Phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đối với Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Bộ tăng cường quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ vào kiểm soát đối với nguồn gốc, chất lượng của các nguyên liệu, các sản phẩm chăm sóc nâng cao sức khỏe con người. Đề xuất thực hiện thống nhất và xã hội hóa công tác giám định, kiểm định. Thực hiện kết nối một cửa quốc gia, chủ động chia sẻ thông tin về cấp phép, quản lý đối với sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; phối hợp với các cơ quan liên quan phòng chống hiệu quả buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng thuộc phạm vi quản lý.
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thẩm định và công bố công khai tiêu chuẩn quốc gia về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Quản lý chặt chẽ hoạt động của đại diện chủ sở hữu công nghiệp, quy định sở hữu công nghiệp và các dịch vụ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp về sở hữu công nghiệp và tranh chấp thương mại liên quan. Tăng cường công tác kiểm tra nhà nước về đo lường chất lượng và ghi nhãn hàng hóa, phối hợp tích cực với các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chặt chẽ các hoạt động quảng cáo trên truyền thanh, truyền hình, báo chí trên môi trường mạng, xuất bản phẩm và quảng cáo tích hợp trên các sản phẩm dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin. Kịp thời ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung quảng cáo, thông tin sai quy định trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc cổ truyền. Chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Công khai thông tin các tổ chức, cá nhân vi phạm; biểu dương người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.
Bộ Công an chỉ đạo công an các cấp và các đơn vị nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm, tập trung điều tra, triệt phá đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ buôn lậu, kinh doanh, sản xuất hàng giả nghiêm minh theo pháp luật.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tăng cường kiểm soát người, phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, đặc biệt là đường mòn lối mở, khu vực cửa khẩu, các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa ở khu vực biên giới. Chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các loại hàng hóa, trong đó có dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền. Phối hợp các bộ ngành, chính quyền các cấp và các lực lượng chức năng tuyên truyền vận động cư dân vùng biên không tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Phát huy vai trò giám sát của MTTQ và tổ chức thành viên
Chỉ thị số 17/CT-TTg cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, hội nghề nghiệp phát huy vai trò giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cồ truyền. Đẩy mạnh truyền thông, phổ biến kiến thức cho nhân dân về các nhóm mặt hàng này; tăng cường vai trò tư vấn phản biện xã hội đối với chính sách pháp luật về dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.
Các doanh nghiệp phải thông tin đầy đủ về hàng hóa đến các cơ quan quản lý và người tiêu dùng, phải phối hợp và hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật, giám sát tiêu thụ hàng hoá của mình, đẩy mạnh liên minh giữa các nhà sản xuất trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. |