Trên cơ sở quy định này, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp các sở ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư tổ chức khảo sát, lựa chọn vị trí và tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các nhà máy chế biến mủ trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định.
Nhà máy chế biến mủ của Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng (ảnh mang tính chất minh họa, nguồn ảnh: phuriengrubber.vn).
Theo đó, nhà đầu tư phải xác định và chủ động được nguồn nguyên liệu phù hợp với công suất của nhà máy; tỉnh Bình Phước ưu tiên mời gọi nhà đầu tư sử dụng công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chế biến tiên tiến, hiện đại. Nhà máy chế biến mủ cao su phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 2 km tính từ ranh khu đất xây dựng nhà máy đến: Ranh giới khu nhà ở tập trung có từ 15 hộ trở lên; ranh địa giới hành chính nội thị; ranh đất quy hoạch xây dựng đô thị theo quy hoạch chung được phê duyệt; ranh quy hoạch khu du lịch, sinh thái, di tích lịch sử, thắng cảnh; khu trung tâm hành chính xã và các công trình hạ tầng xã hội tại điểm dân cư nông thôn.
Ngoài ra, ranh khu đất xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu là 1 km đến các sông lớn như sông Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé và các hồ cấp nước sinh hoạt để đảm bảo chất lượng nước mặt tại các sông lớn, chất lượng nước cấp cho người dân tại các hồ cấp nước sinh hoạt. Nhà đầu tư phải xử lý nước thải của các nhà máy chế biến mủ cao su đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định số 1469/QĐ-UBND ngày 21/6/2011 và Công văn số 778/UBND-KTN ngày 20/3/2014 của UBND tỉnh Bình Phước.
Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su liên kết đào tạo với 3 trường đại học
Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (số 1428, đường Phú Riềng Đỏ, Đồng Xoài) vừa được UBND tỉnh chấp thuận cho liên kết đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học đợt 1 năm 2017 với tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 380.
Theo đó, UBND tỉnh đã chấp thuận cho Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su liên kết với Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường với 50 chỉ tiêu; liên kết với Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo ngành Khoa học cây trồng (40 chỉ tiêu), ngành Khoa học cây trồng liên thông từ cao đẳng lên đại học (50 chỉ tiêu), ngành Quản lý đất đai liên thông từ trung cấp lên đại học (40 chỉ tiêu).
Ngoài ra, trường còn được UBND tỉnh chấp thuận cho liên kết với Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đào tạo 5 chuyên ngành, gồm: Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng cầu đường (liên thông từ cao đẳng lên đại học), Điện công nghiệp, Quản lý dự án xây dựng (văn bằng 2 trình độ đại học), Cơ khí ô tô. Mỗi chuyên ngành đào tạo 40 chỉ tiêu./.
Nhật Phong