Nhiệm vụ và quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân

Thứ tư - 29/06/2016 09:46
(CTTĐTBP) – Từ Điều 93 đến Điều 103 của Luật tổ chức chính quyền địa phương (được Quốc hội ký ban hành ngày 19/6/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016) đã quy định trách nhiệm và quyền hạn của đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), cụ thể như sau:
 
Trách nhiệm tham dự kỳ họp HĐND
 
Đại biểu HĐND có trách nhiệm tham dự đầy đủ các kỳ họp, phiên họp HĐND, tham gia thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND.
 
Đại biểu HĐND không tham dự kỳ họp, phiên họp thì phải có lý do và phải báo cáo trước với Chủ tịch HĐND. Trường hợp đại biểu HĐND không tham dự các kỳ họp liên tục trong 1 năm mà không có lý do thì Thường trực HĐND phải báo cáo HĐND để bãi nhiệm đại biểu HĐND đó.
 
Trách nhiệm tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND
 
Đại biểu HĐND phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của HĐND nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.
 
Sau mỗi kỳ họp HĐND, đại biểu HĐND có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của HĐND, vận động và cùng với nhân dân thực hiện các nghị quyết đó.
 
Trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân
 
Đại biểu HĐND có trách nhiệm tiếp công dân theo quy định của pháp luật.
 
Khi nhận được khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, đại biểu HĐND có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị biết; đôn đốc, theo dõi và giám sát việc giải quyết. Người có thẩm quyền giải quyết phải thông báo cho đại biểu HĐND về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân trong thời hạn do pháp luật quy định.
 
Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đúng pháp luật, đại biểu HĐND có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại; khi cần thiết, đại biểu HĐND yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó giải quyết.
 
Quyền chất vấn của đại biểu HĐND
 
Đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy viên Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn.
 
Trong thời gian HĐND họp, đại biểu HĐND gửi chất vấn đến Thường trực HĐND cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND tại kỳ họp đó. Trong trường hợp cần điều tra, xác minh thì HĐND có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau của HĐND hoặc cho trả lời bằng văn bản gửi đến đại biểu đã chất vấn và Thường trực HĐND.
 
Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND, chất vấn của đại biểu HĐND được gửi đến Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn.
 
Quyền kiến nghị của đại biểu HĐND
 
Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, tổ chức phiên họp bất thường, phiên họp gửi của HĐND và kiến nghị về những vấn đề khác mà đại biểu thấy cần thiết.
 
Kiến nghị của đại biểu HĐND được gửi bằng văn bản đến Thường trực HĐND, trong đó nêu rõ lý do, nội dung kiến nghị.
 
Thường trực HĐND có trách nhiệm tổng hợp, xử lý các kiến nghị của đại biểu HĐND theo thẩm quyền và báo cáo HĐND trong các trường hợp quy định tại khoản* hoặc trong trường hợp khác mà Thường trực HĐND xét thấy cần thiết.
 
Trường hợp có từ một phần ba tổng số đại biểu HĐND trở lên kiến nghị HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với một người giữ chức vụ do HĐND bầu, kiến nghị HĐND họp bất thường hoặc họp kín thì Thường trực HĐND báo cáo để HĐND xem xét, quyết định (khoản*).
 
Số lượng kiến nghị cần thiết quy định tại khoản* là tổng số kiến nghị mà Thường trực HĐND tiếp nhận được trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp này đến trước ngày khai mạc kỳ họp tiếp theo hoặc đến trước ngày tiến hành phiên họp HĐND về nội dung có liên quan trong trường hợp đại biểu HĐND kiến nghị HĐND tổ chức phiên họp kín.
 
Đại biểu HĐND có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Quyền của đại biểu HĐND khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật
 
Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan thi hành những biện pháp cần thiết để kịp thời chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật (khoản**).
 
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của đại biểu HĐND quy định tại khoản**, cơ quan, tổ chức phải giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu HĐND biết. Quá thời hạn này mà cơ quan, tổ chức không trả lời thì đại biểu HĐND có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên xem xét, giải quyết.
 
Quyền của đại biểu HĐND trong việc yêu cầu cung cấp thông tin
 
Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu, đại biểu HĐND có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân đó.
 
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm trả lời những vấn đề mà đại biểu HĐND yêu cầu theo quy định của pháp luật.
 
Quyền miễn trừ của đại biểu HĐND
 
Không được bắt, giam, giữ, khởi tố đại biểu HĐND, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu HĐND nếu không có sự đồng ý của HĐND hoặc trong thời gian HĐND không họp, không có sự đồng ý của Thường trực HĐND.
 
Trường hợp đại biểu HĐND bị tạm giữ vì phạm tội quả tang thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để HĐND hoặc Thường trực HĐND xem xét, quyết định.
 
Thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ và mất quyền đại biểu HĐND
 
Trong nhiệm kỳ, nếu đại biểu HĐND không còn công tác và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu thì phải xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Đại biểu HĐND có thể đề nghị thôi làm nhiệm vụ đại biểu vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.
 
Việc chấp nhận đại biểu HĐND thôi làm nhiệm vụ đại biểu do HĐND cùng cấp xem xét, quyết định.
 
Trường hợp đại biểu HĐND bị khởi tố bị can thì Thường trực HĐND quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND đó.
 
Đại biểu HĐND được trở lại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu và khôi phục các lợi ích hợp pháp khi cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án đối với đại biểu đó hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên đại biểu đó không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.
 
Đại biểu HĐND bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án thì đương nhiên mất quyền đại biểu HĐND kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
 
Đại biểu HĐND đã thôi làm nhiệm vụ đại biểu hoặc bị mất quyền đại biểu thì đương nhiên thôi đảm nhiệm các chức vụ trong Thường trực HĐND, Ban của HĐND.
 
Việc bãi nhiệm đại biểu HĐND
 
Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.
 
Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND hoặc theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.
 
Trong trường hợp HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành.
 
Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định.
 
Các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND
 
Đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bố trí nơi làm việc, được trả lương, phụ cấp và hưởng các chế độ để hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu HĐND.
 
Đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Thời gian làm việc trong năm mà đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách dành cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu được tính vào thời gian làm việc của đại biểu ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà đại biểu làm việc và được bảo đảm trả lương, phụ cấp, các chế độ khác do cơ quan, tổ chức, đơn vị đó đài thọ. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu làm việc có trách nhiệm sắp xếp công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu HĐND làm nhiệm vụ.
 
Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đại biểu HĐND.
 
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tạo điều kiện để đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri, thu thập ý kiến, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân với HĐND.
 
Đại biểu HĐND được cấp hoạt động phí hằng tháng và được hỗ trợ các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động đại biểu.
 
Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu HĐND./.
 

 

TT.THCB (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập951
  • Hôm nay328,587
  • Tháng hiện tại7,420,870
  • Tổng lượt truy cập491,284,308
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây