Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa 8: UBND tỉnh trả lời những vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 12

Thứ ba - 08/12/2015 16:22 993

Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa 8: UBND tỉnh trả lời những vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 12

(CTTĐTBP) - Tại phiên họp chiều nay (8/12), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Phong thay mặt UBND tỉnh trả lời những vấn đề đã hứa tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh khóa 8; trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh.
 
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ HỨA TẠI KỲ HỌP THỨ MƯỜI HAI
 
1. Việc thực hiện Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 06/5/2013 của UBND tỉnh ban hành quy định về chính sách đối với quỹ đất tách ra khỏi lâm phần theo quy hoạch ba loại rừng.
 
UBND tỉnh đã dự thảo và tổng hợp các ý kiến góp ý của các Sở, ngành, huyện, thị xã để hoàn chỉnh dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND. UBND tỉnh đang chỉnh sửa và sẽ xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để ban hành trong thời gian sớm nhất.
 
2. Về nguyên nhân và trách nhiệm chậm triển khai thực hiện Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 31/12/2013 của HĐND tỉnh về Đề án “Đẩy mạnh giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước giai đoạn 2014 - 2015 và định hướng đến năm 2020”.
 
Nguyên nhân chậm triển khai thực hiện cũng như một số chỉ tiêu chưa thực hiện đúng kế hoạch như đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số; bố trí vốn cho các chính sách của Đề án là do ngân sách của tỉnh trong giai đoạn 2013 - 2015 gặp rất nhiều khó khăn, do đó việc bố trí vốn cho Đề án cũng như một số chương trình, dự án khác còn hạn chế. UBND tỉnh sẽ tổ chức tổng kết giai đoạn năm 2014 - 2015 để đánh giá kết quả và tìm giải pháp khả thi, hiệu quả hơn (Hiện nay, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã đã tiến hành tổng kết giai đoạn I (2014 - 2015) và gửi Báo cáo về Ban Dân tộc. Ban Dân tộc đang hoàn chỉnh nội dung để tham mưu UBND tỉnh tổ chức tổng kết giai đoạn I (2014 - 2015).
 
Về giải pháp cho giai đoạn 2016 - 2020: Ngày 12/11/2015, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 100/2015/QH13 về phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong đó quy định Danh mục các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 bao gồm 02 Chương trình: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguyên tắc phân bổ vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình. Vì vậy, giai đoạn 2016 - 2020, ngoài các giải pháp sẽ rút ra qua tổng kết giai đoạn I, UBND tỉnh vẫn sẽ 2 tiếp tục cân đối bố trí vốn để thực hiện tiếp các chính sách đã thực hiện trong giai đoạn I (2014 - 2015).
 
3. Việc Cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009 và nay là Quyết định 755/QĐ- TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ (chương trình 134) gắn với liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, Công ty cao su nhà nước để tranh thủ chính sách hỗ trợ lao động người dân tộc thiểu số theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ?
 
Từ năm 2010 - 2013, thực hiện Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho 292hộ/206,4 ha trên tổng số 1.001 hộ của Chương trình, đạt 29,1%. Số hộ còn lại chuyển sang thực hiện theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.
 
Thực hiện Đề án theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh hỗ trợ đất cho 3.060 hộ không có đất sản xuất với định mức 0,5 ha/hộ. Trong đó, 2 huyện Lộc Ninh và Đồng Phú còn quỹ đất nên đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 50 hộ ổn định sản xuất. Như vậy còn 3.010 hộ chưa có đất sản xuất. Hiện nay, có 2 huyện đã tiếp tục quy hoạch được quỹ đất để thực hiện là huyện Đồng Phú quy hoạch được 60 ha, dự kiến cấp cho 94 hộ và huyện Bù Đăng quy hoạch được 30 ha, dự kiến cấp cho hơn 50 hộ. Các huyện, thị xã còn lại chưa quy hoạch được quỹ đất để thực hiện (còn lại khoảng 2.800 hộ chưa có đất sản xuất theo Quyết định 755/QĐ-TTg).
 
Về giải pháp trong thời gian tới: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã chủ động rà soát và chuyển từ hỗ trợ đất sản xuất sang hỗ trợ chuyển đổi nghề nông thôn như: hỗ trợ học nghề, vay vốn, mua sắm máy móc, nông cụ, dụng cụ sản xuất để giúp đồng bào thụ hưởng có điều kiện phát triển sản xuất, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Mặt khác, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban Dân tộc phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát và đề xuất thu hồi, hoặc quy hoạch quỹ đất để hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào thụ hưởng cùng với nguồn kinh phí Trung ương tiếp tục phân bổ cho tỉnh các năm tiếp theo.
 
 Do quỹ đất thực hiện Chương trình 1592 và Chương trình 755 phân tán nhỏ lẻ nên chỉ cấp trực tiếp cho các hộ, không liên doanh được với doanh nghiệp cũng như các Công ty cao su nhà nước nên không thể gắn với chính sách đào tạo, sử dụng lao động và không tranh thủ được chính sách hỗ trợ lao động người dân tộc thiểu số theo Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
 
4. Về thực hiện các giải pháp để đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm của người dân.
 
Để đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm của người dân, đáp ứng thị trường lao động, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tăng cường thông tin, dự báo thị 3 trường lao động; tổ chức tư vấn nghề và việc làm cho 13.752 lao động; giới thiệu việc làm cho 385 lao động; tổ chức 02 phiên giao dịch việc làm với 14 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 1.174 lao động; tổ chức điều tra cung - cầu lao động năm 2015. Thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin về thị trường lao động trên website việc làm của tỉnh, giúp người lao động có cơ hội tìm được việc làm và giúp người sử dụng lao động tìm kiếm nhân lực có năng lực, trình độ tay nghề theo yêu cầu công việc.
 
Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề thời gian qua còn hạn chế. UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã tổ chức rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở dạy nghề, đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp, thu hút các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, toàn tỉnh có 28 cơ sở dạy nghề, trong đó các huyện, thị đều có cơ sở dạy nghề (trừ huyện Phú Riềng).
 

 

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình dạy nghề có sự kết hợp giữa 3 bên (Cơ sở dạy nghề, người lao động và doanh nghiệp), UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và các cơ sở dạy nghề tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, tuyển sinh đào tạo nghề cung ứng lao động cho các doanh nghiệp, đã tổ chức 85 lớp, với 2.975 học viên và sau khi đào tạo có 2.231 học viên được nhận vào làm việc. Đặc biệt, tỉnh đang chỉ đạo các cơ sở dạy nghề xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề cho người khuyết tật, giúp họ có tay nghề vững chắc tự tạo việc làm, có thu nhập ổn định.
 
 
TRẢ LỜI CÁC Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CÁC TỔ ĐẠI BIỂU HĐND TỈNH
 
Do các câu hỏi của cử tri và các Tổ đại biểu có sự trùng lặp, một số nội dung đã được UBND tỉnh đã trình bày chi tiết, cụ thể trong báo cáo kinh tế - xã hội năm 2015, một số nội dung đã giao cho các sở, ngành chức năng trả lời bằng văn bản và trả lời chất vấn trực tiếp. Nay, UBND tỉnh trả lời HĐND tỉnh các nội dung kiến nghị theo lĩnh vực, cụ thể như sau:
 
1. Ý kiến của Tổ đại biểu Lộc Ninh - Bù Đốp.

1.1. Số liệu ước chi ngân sách năm 2015 chưa thống nhất tại các báo cáo. Đề nghị cho biết lý do và thống nhất về số liệu nêu trên?
 
Số liệu ước chi ngân sách năm 2015 tại Báo cáo số 254/BC-UBND ngày 20/11/2015 của UBND tỉnh là 6.437 tỷ đồng, đạt 93% dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh. Đây là số liệu ước thực hiện trên cơ sở số thực hiện thu 10 tháng năm 2015. Ngày 13/11/2015 khi Sở Tài chính báo cáo với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã thống nhất điều chỉnh tăng số ước thực hiện chi ngân sách năm 2015 lên thành 6.581 tỷ đồng (tăng 144 tỷ đồng).
 
Như vậy, số liệu ước chi ngân sách năm 2015 tại Báo cáo số 251/BCUBND ngày 20/11/2015 của UBND tỉnh là 6.581 tỷ đồng, đạt 96% dự toán HĐND tỉnh điều chỉnh, là số liệu đã được Ban Kinh tế Ngân sách - HĐND tỉnh thông qua. Để đảm bảo thống nhất về mặt số liệu, UBND tỉnh sẽ điều chỉnh lại số liệu trên Báo cáo số 254/BC-UBND ngày 20/11/2015 là 6.581 tỷ đồng.
 
1.2. Việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trẻ và một số hợp tác xã thanh niên, cá nhân và hộ gia đình còn khó khăn.
 
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 16 ngân hàng thương mại có chi nhánh, phòng giao dịch trải đều trên 11 huyện, thị xã và 04 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Tổng dư nợ đến 31/10/2015 đạt gần 30.974 tỷ đồng, tăng 6.701 tỷ đồng (tăng 27,61% so với thời điểm 31/12/2014).
 
Về các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành: Ngày 25/6/2015, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo “Gặp mặt, đối thoại giữa Lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2015 trên địa bàn tỉnh”. Tại hội thảo này, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Phước đã trực tiếp trả lời tất cả những ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp và đề nghị các doanh nghiệp phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, làm việc với các Chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn để được vay vốn. Nếu có vướng mắc, khó khăn phản ánh về Ngân hàng Nhà nước tỉnh qua số điện thoại nóng đường dây nóng 06513.870.047 để được giải đáp, hướng dẫn.
 
Mặt khác, trong tháng 7/2015, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tổ chức Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Tại đây đã ký kết cho 20 doanh nghiệp vay với với số tiền cho vay 720 tỷ đồng.
 
Tiếp đó, tháng 8 năm 2015, UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và triển khai thực hiện Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, có bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm cả những cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn, mức cho vay không có tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5 - 2 lần so với qui định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/04/2010 của Chính phủ. Cụ thể là: mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh; tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại. Riêng với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên tới 70% giá trị dự án, phương án cho vay theo mô hình liên kết. Đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản lên tới 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.
 
Do đó, các doanh nghiệp trẻ và hợp tác xã thanh niên, cá nhân và hộ gia đình muốn vay vốn cần lập phương án sản xuất kinh doanh cụ thể để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay vốn. Nếu chưa được giải quyết, gửi thông tin về Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Phước để có ý kiến trực tiếp với các Ngân hàng thương mại nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
 
1.3. Cơ sở để xây dựng chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân trong năm 2016 là 7,2 bác sĩ.
 
Năm 2015, toàn tỉnh có 613 bác sỹ, tỷ lệ số bác sỹ/vạn dân là 6,5 bác sỹ. Năm 2016, số bác sỹ đào tạo liên thông ra trường khoảng 72 bác sỹ, như vậy tổng số bác sỹ là 685 bác sỹ, tỷ lệ bác sỹ/vạn dân đạt 7,2 bác sỹ. Do đó, chỉ tiêu trong năm 2016 được xây dựng là phù hợp.
 
Hiện nay, sinh viên Bình Phước đang học tại các Trường Đại học Y dược trên cả nước (hệ chính quy, cử tuyển và liên thông) là trên 500 sinh viên, sẽ ra trường từ năm 2016 đến năm 2020. Tỉnh sẽ có chính sách thu hút để số bác sỹ này về công tác tại Bình Phước, như vậy sẽ nâng tỷ lệ bác sỹ trên vạn dân đạt chỉ tiêu đề ra cho các năm tiếp theo.
 
2. Ý kiến của Tổ đại biểu Đồng Phú - Bù Đăng.

2.1. Chỉ tiêu về tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đề ra trong năm 2016 tăng khoảng 6,5 - 7%. Đề nghị nêu rõ căn cứ đề ra chỉ tiêu này?
 
Thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Thống kê đã tính toán tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2015 bình quân là 6,9% (giá so sánh năm 2010); trong đó, năm 2015 tăng 6,2% (ngành nông lâm, thủy sản tăng 5,4%; công nghiệp, xây dựng tăng 6,41%; dịch vụ tăng 6,52%). Trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2011 – 2015; kết quả của năm 2015 và dự báo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, việc đề ra tốc độ tăng trưởng (GRDP) tăng khoảng 6,5 - 7% trong năm 2016 là mang tính phấn đấu cao và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
2.2. Chất lượng giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo chưa cao. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với người dân theo yêu cầu.
 
Trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo chủ yếu diễn ra ở 02 huyện Đồng Phú và Bù Đăng, có nhiều vụ phức tạp, tồn đọng kéo dài. Nguyên nhân phát sinh khiếu nại - tố cáo có nhiều nhưng phần lớn là về chính sách thu hồi, giải toả đất đai. Mặc dù đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết thỏa đáng nhưng người dân vẫn khiếu nại đến nhiều cấp và yêu cầu phải giải quyết theo ý muốn chủ quan của họ.
 
 Về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết thì hầu hết các địa phương, đơn vị đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các văn bản khác có liên quan.
 
Về việc Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với người dân: Theo quy định thì Chủ tịch UBND tỉnh có thể ủy quyền cho các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chánh Văn phòng, Trưởng phòng tiếp công dân, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành theo lĩnh vực phụ trách chủ trì đối thoại. Tuy nhiên, trong năm 2015, mặc dù bận nhiều trong chỉ đạo, điều hành nhưng Chủ tịch UBND tỉnh đã có 16 buổi tiếp công dân tại trụ sở Tiếp Công dân của tỉnh và tại các huyện, thị xã để giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài. Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp công việc để có nhiều hơn các buổi đối thoại với người khiếu nại, tố cáo nhằm xem xét, giải quyết trực tiếp các đơn thư của công dân.
 
3. Ý kiến của Tổ đại biểu Phước Long - Bù Gia Mập - Phú Riềng.
 
Tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số bán đất, sang nhượng lại đất được cấp.
 
UBND tỉnh đang tiển khai thực hiện một số chính sách cho đồng bào dân tộc, trong đó có chính sách hỗ trợ đất sản xuất. Trên thực tế, một số hộ dân sau khi nhận hỗ trợ đất sản xuất vì nhiều lý do khác nhau dẫn đến mua bán, sang nhượng, cho thuê, cầm cố... diện tích đất được nhà nước hỗ trợ dẫn đến chính sách dân tộc chưa phát huy được hiệu quả.
 
 Về các biện pháp chế tài để phát huy hiệu quả chính sách: Thủ tướng Chính phủ đã quy định cụ thể tại các Quyết định số 1592/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg. Theo đó, trong thời gian 10 năm, kể từ ngày được nhà nước giao đất, các hộ dân không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê.
 
Riêng đối với tỉnh ta, ngày 15/9/2010, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Theo đó, nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng đất xâm canh (đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, giao khoán, cho thuê) trong nhân dân trên địa bàn tỉnh dưới mọi hình thức; cương quyết thực hiện quy định tại Quyết định số 1592/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với đất do nhà nước hỗ trợ theo chính sách, không được chuyển nhượng, tặng, cho, cầm cố, cho thuê đất sản xuất trong thời gian 10 năm kể từ ngày Nhà nước giao đất; kiên quyết cưỡng chế thu hồi lại diện tích đất chính sách Nhà nước hỗ trợ đối với một số hộ dân đã cầm cố, sang nhượng trái phép và có biện pháp xử lý thích đáng. Qua 04 năm thực hiện, UBND các huyện, thị xã đã thực hiện thu hồi một số trường hợp mua, bán đất chính sách nhà nước cấp (đã thu hồi 10 ha của 10 hộ DTTS đã bán). Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường các biện pháp để ổn định đời sống đồng bào./.
 
TT.THCB (UBND tỉnh Bình Phước)
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập828
  • Hôm nay212,049
  • Tháng hiện tại5,123,405
  • Tổng lượt truy cập411,865,259
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây