Bình Phước : Cổng thông tin điện tử

https://binhphuoc.gov.vn


Xóa vùng “trũng” sóng điện thoại trên tuyến biên giới

(CTTĐTBP) - Biên giới tỉnh Bình Phước có chiều dài 258,939km, tiếp giáp với 3 tỉnh Mondulkiri, Kratie, Tbong Khmum thuộc Vương quốc Campuchia, hệ thống thông tin liên lạc còn gặp nhiều khó khăn. Trong mục tiêu phủ sóng thông tin di động dọc đường tuần tra biên giới giai đoạn 2022-2025, tỉnh đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông xây dựng, lắp đặt các trạm thu, phát sóng điện thoại di động BTS trên toàn tuyến biên giới, nhằm xóa vùng “trũng” viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc xuyên suốt phục vụ quốc phòng - an ninh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Mang sóng lên biên giới
 
Điểm chốt số 2, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đang làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Trước đây, tại khu vực này sóng điện thoại rất chập chờn, thường xuyên xảy ra tình trạng yếu sóng, chèn sóng, thông tin liên lạc giữa chốt về đồn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn này đang được khắc phục vì dọc đường tuần tra biên giới, các nhà mạng Viettel, Viễn thông Bình Phước đang đầu tư xây dựng các trạm thu, phát sóng điện thoại di động BTS giúp việc thông tin liên lạc của người dân và cán bộ, chiến sĩ được thuận tiện hơn.
 
image002 21260411052022
Hệ thống trạm BTS được xây dựng dọc tuyến biên giới giúp đảm bảo thông tin liên lạc của các điểm chốt biên phòng của tỉnh. Trong ảnh: Thượng úy Lê Hoàng Trọng Trí, Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư gửi, nhận văn bản trên hệ thống internet


Thượng úy Lê Hoàng Trọng Trí, Đội trưởng kiểm soát hành chính, Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư chia sẻ, hệ thống mạng phát triển không chỉ giúp đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, đặc biệt trong những trường hợp khẩn cấp mà còn giúp cập nhật thông tin trong nước và thế giới nhanh chóng, chính xác, đời sống tinh thần thêm phong phú. “Giờ chỉ cần một cái nhấp chuột, việc gửi, nhận công văn, thông báo có thể thực hiện trong tích tắc. Cán bộ, chiến sĩ tại chốt không phải đi nộp giấy tờ bằng hình thức thủ công như trước, tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí cho cán bộ, chiến sĩ ở cơ sở. Việc triển khai họp trực tuyến cũng diễn ra dễ dàng. Hệ thống mạng thông suốt còn là cầu nối từ nơi biên cương về với gia đình để chiến sĩ thêm vững tinh thần, niềm tin để gắn bó với công việc” - Thượng úy Lê Hoàng Trọng Trí bày tỏ.

Còn đối với người dân sinh sống tại khu vực dọc tuyến biên giới thì việc sóng điện thoại phủ đến tận nơi không chỉ giúp việc liên lạc được dễ dàng mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh. Ông Điểu Khố ở ấp Suối Thôn, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh thấy rất rõ những lợi ích của có sóng điện thoại mang lại. Ông chia sẻ: “Có sóng điện thoại, sóng 3G, 4G rồi, mình có thể lên mạng tìm hiểu các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tìm hiểu khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế. Các con học online cũng thuận tiện hơn”.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022-2025, tỉnh Bình Phước dự kiến xây dựng thêm 15 trạm BTS trên tuyến biên giới. Việc đầu tư xây dựng các trạm phát sóng di động BTS trên đường tuần tra biên giới không chỉ giúp đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng - an ninh mà còn phục vụ nhiệm vụ công ích của tỉnh, nhất là trong tình hình Bình Phước siết chặt quản lý biên giới để phòng, chống dịch Covid-19.


Thượng tá Chu Hồng Quảng, Giám đốc Viettel Bình Phước cho biết: Phủ sóng ở khu vực biên giới là chủ trương chung của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Trước năm 2021, Viettel đã phát sóng 17 trạm BTS tại các đồn biên phòng của tỉnh, năm nay tiếp tục phủ thêm 7 trạm, nâng tổng số trạm đã phát sóng là 23. Trước kia Viettel chỉ phủ sóng 2G nhưng hiện nay đang phủ sóng 4G để chiến sĩ, người dân trên tuyến biên giới cập nhật thông tin nhanh nhất.

Thúc đẩy số hóa vùng biên 

Trong quá trình triển khai xây dựng trạm BTS dọc tuyến biên giới, các nhà mạng gặp rất nhiều khó khăn bởi địa hình hiểm trở, đường sá quanh co, đòi hỏi nhiều nhân lực, vật lực lớn. Một số điểm không có điện nên các trạm BTS vẫn đang chạy bằng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, nhận thức sâu sắc về việc phát triển hạ tầng mạng lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, các nhà mạng khẳng định họ không đặt mục tiêu vì lợi nhuận. Thượng tá Chu Hồng Quảng nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần dựng xây và bảo vệ biên cương Tổ quốc. Tập đoàn luôn cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tiến độ xây dựng các trạm BTS ở khu vực biên giới”.
 

image004 21235611052022
Các nhà mạng Viettel, Viễn thông Bình Phước đang nỗ lực khắc phục khó khăn để đưa trạm BTS vào hoạt động đúng tiến độ, đảm bảo thông tin liên lạc, lấp đầy vùng “trũng” sóng ở khu vực biên giới

Ông Nguyễn Trường Tùng, quyền Giám đốc VNPT Bình Phước cho biết, đơn vị luôn chủ động khắc phục những khó khăn trước mắt để có được hạ tầng mạng viễn thông phủ sóng rộng khắp ở vùng biên. Đến nay, Viễn thông Bình Phước đã đưa vào phát sóng 3 trạm, 3 trạm còn lại đang xây dựng, dự kiến tháng 6 năm nay sẽ đưa vào hoạt động để phục vụ các trạm chốt biên phòng và người dân sinh sống ở khu vực biên giới, đảm bảo thông tin liên lạc, mục tiêu lấp đầy vùng “trũng” sóng ở khu vực biên giới.
 

Đến nay, các nhà mạng đã triển khai 26/52 trạm theo kế hoạch giai đoạn 2022-2025. Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo lộ trình “dễ làm trước, khó làm sau”. Các doanh nghiệp viễn thông trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành với tỉnh để sớm đưa các trạm BTS đi vào hoạt động, hoàn thiện việc phủ sóng suốt chiều dài 258,939km đường biên giới của tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Quang,
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông


Bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp viễn thông trong xây dựng hệ thống hạ tầng viễn thông đồng bộ là rất quan trọng. Đó là sự sẵn sàng đồng hành với tỉnh trong phát triển các trạm phát sóng BTS dọc tuyến biên giới nhằm xóa vùng “trũng” viễn thông, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế biên mậu và giữ vững quốc phòng, an ninh. Phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông hiện đại, đồng bộ là một trong những điều kiện quan trọng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả bài viết: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây