Bình Phước : Cổng thông tin điện tử

https://binhphuoc.gov.vn


Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới

(CTTĐTBP) - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa ban hành Chương trình hành động số 35-CTr/TU ngày 24/02/2023 về thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chương trình nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội về tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quán triệt và thống nhất nhận thức về các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, với nhiều hình thức tổ chức, quy mô phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương, trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ liên kết, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể nhằm thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chương trình phấn đấu đến năm 2025 có 400 hợp tác xã, với 14.000 thành viên; 01 liên hiệp hợp tác xã, với 04 hợp tác xã thành viên; 1.430 tổ hợp tác, với 12.800 thành viên; 50% hợp tác xã hoạt động hiệu quả; phát triển khoảng 100 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến năm 2030 phấn đấu có 550 hợp tác xã, với 16.000 thành viên; 02 liên hiệp hợp tác xã, với 08 - 10 hợp tác xã thành viên; 1.500 tổ hợp tác, với 13.300 thành viên; 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; có ít nhất 01 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong xếp hạng 100 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc; phát triển khoảng 200 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đến năm 2045 phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể; chất lượng hoạt động của tổ chức kinh tế tập thể ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; có trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả; có ít nhất 02 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong xếp hạng 100 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc, trong đó 01 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 01 hợp tác xã thương mại - dịch vụ.

Để Chương trình đạt mục tiêu đề ra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu triển khai 5 nhiệm vụ, giải pháp chính. Đó là, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã tỉnh đối với phát triển kinh tế tập thể.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chương trình hành động này. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời tham mưu Tỉnh ủy xem xét, điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Các huyện ủy, thị ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy phù hợp với chức năng, 5 nhiệm vụ, điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh phối hợp với Đảng đoàn HĐND tỉnh rà soát, nghiên cứu có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi trong lồng ghép, phân bổ nguồn lực cho đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; bố trí ngân sách trung hạn và hằng năm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; giám sát, kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các quy định về kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động và lựa chọn những nội dung thiết thực để khuyến khích, động viên hội viên, đoàn viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể; tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật về kinh tế tập thể, các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, Chương trình hành động của Tỉnh ủy; chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã./.

Tác giả bài viết: T.T

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây