Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp

Thứ năm - 21/03/2024 10:54
(CTTĐTBP) - Bộ Y tế vừa có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc nâng cao sức khỏe người lao động và phòng chống hiệu quả bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong khu vực lao động tiếp xúc với yếu tố có hại, nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện bố trí ngân sách để triển khai đạt các mục tiêu và chỉ số đã được giao tại Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/02/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế rà soát, củng cố nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế để đáp ứng nhu cầu quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Tuyên truyền cho các cơ sở lao động thực hiện đầy đủ công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp được hướng dẫn tại các thông tư của Bộ Y tế số 19/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 về quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động và Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 về quản lý bệnh nghề nghiệp. Tăng cường giám sát việc thực hiện công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động và đề xuất xử lý nghiêm các vi phạm. Chủ động chỉ đạo quan trắc môi trường lao động, khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao và tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Xây dựng kế hoạch, tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động và các tổ chức công bố đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động trên địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý. Đồng thời, kiện toàn tổ chức và nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao và khu chế xuất. Tổ chức triển khai các quy định tại Thông tư số 28/2023/TT- BYT ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và nội dung chuyên môn, nghiệp vụ của chương trình đào tạo nhân nhân viên y tế làm việc tại y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức mà không thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở lao động có nguy cơ cao gây bệnh nghề nghiệp. Xử lý nghiêm tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quy định, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động. Tăng cường đảm bảo chất lượng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho các nhóm đối tượng theo quy định của Luật an toàn vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trên địa bàn.

Chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao khu chế xuất, và người sử dụng lao động tại cơ sở lao động tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục về các yếu tố có hại, các biện pháp vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc cho người lao động. Chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về vệ sinh lao động; tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động đầy đủ cho các nhóm đối tượng; cải thiện điều kiện lao động; chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp đối với người lao động, đặc biệt đối tượng làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Thực hiện tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn vệ sinh lao động nhằm giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Tăng cường phối hợp với tổ chức công đoàn tuyên truyền, hướng dẫn người lao động chấp hành pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và nội quy, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm về an toàn vệ sinh lao động.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các Sở Xây dựng, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông và các ban ngành trực thuộc phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và ngành lao động - thương binh và xã hội tổ chức triển khai hiệu quả những quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động trên địa bàn./.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,099
  • Hôm nay16,740
  • Tháng hiện tại9,792,820
  • Tổng lượt truy cập493,656,258
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây