Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng chống dịch COVID-19

Thứ tư - 25/11/2020 09:47
(CTTĐTBP) - Sáng 24/11, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký ban hành Chỉ thị số 24 về việc tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ Y tế, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 xuất hiện vẫn luôn thường trực, đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Dịch bệnh đã bùng phát trở lại trong mùa đông xuân tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều quốc gia đặc biệt tại khu vực Châu Âu đã phải tái thiết lập việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và thực hiện giãn cách xã hội. Trong nước, tình dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được kiểm soát.

Cả nước đã trải qua hơn 80 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Mặc dù vậy, các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài dương tính với SARS-CoV-2 vẫn liên tục được ghi nhận trong thời gian vừa qua do đó nguy cơ dịch bệnh xuất hiện vẫn luôn thường trực đặc biệt nếu không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.

Trong thời gian tới, trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng, công tác phòng chống dịch được yêu cầu đặt trong tình trạng nghiêm ngặt với mức độ an toàn cao nhất. Để tăng cường việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch không để ảnh hưởng sức khỏe của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ thị:


Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế ngành, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 24/9/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và trực tiếp chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo các hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị y tế chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị và phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị nêu cao tinh thần gương mẫu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm tuyệt đối an toàn khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người, các hoạt động sản xuất, kinh doanh…

Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

- Tiếp tục thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp theo Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16/7/2020 của Bộ Y tế; trên cơ sở đó rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện, xây dựng kế hoạch khắc phục, giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch của bệnh viện và cập nhật các tiêu chí an toàn COVID-19 đối với các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chung sống an toàn COVID-19.

- Duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; tiếp tục đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường…

- Tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân nằm điều trị tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng và nhân viên y tế; tăng cường tập huấn về công tác xét nghiệm, điều trị, sử dụng trang thiết bị máy thở, máy lọc máu và các thiết bị khác phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh; tiếp tục yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải thực hiện cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng thiết bị di động thông minh; có hình thức phân luồng ưu tiên đối người đến khám, điều trị thực hiện việc cài đặt và bật ứng dụng truy vết. Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống COVID-19 tại các khoa, phòng, bộ phận trong bệnh viện.

- Cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19; chuẩn bị cơ sở điều trị dự phòng khi dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn, khi phong tỏa bệnh viện.

Đối với các đơn vị y tế dự phòng:

- Thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; Yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; tổ chức phân loại các trường hợp phải cách ly phù hợp theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát y tế. Rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 đối với tất các các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.

- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; thực hiện khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.

- Chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng khi có yêu cầu về phòng chống dịch; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.

Đối với các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh, thành phố phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế:

- Xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu.

- Phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm các thực phẩm từ nguồn nhập khẩu trên địa bàn để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Đối với Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

- Tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố. Tiếp tục tham mưu để huy động việc đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn.

- Tiếp tục chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội. Xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định.

- Chủ động xây dựng và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản, diễn tập phòng chống dịch theo các tình huống cụ thể khi tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người trên địa bàn; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch đối với các địa điểm có nguy cơ cao; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các trường hợp không thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng, nơi tập trung đông người.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện, phòng khám tư nhân tuyến huyện, tuyến xã thực hiện ngay việc cung cấp thông tin, cập nhật dữ liệu, khai báo, chấm điểm định kỳ dành cho bản đồ chung sống an toàn với dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; có hình thức xử lý đối với các cơ sở không thực hiện, không đảm bảo an toàn.

-  Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, giám sát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện các biện pháp nhằm phòng chống lây nhiễm COVID-19 từ nguồn thực phẩm nhập khẩu.

- Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới, tuyên truyền thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tránh tâm lý lơ là, chủ quan trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tham mưu cho chính quyền địa phương việc thực hiện các chế tài xử phạt hành chính với các trường hợp cố tình vi phạm việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

- Xây dựng, chuẩn bị và triển khai phương án đảm bảo dự trữ đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống COVID-19.

- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII theo đúng kế hoạch của Bộ Y tế.

Đối với các Viện nghiên cứu:

- Tiếp tục rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về giám sát, đáp ứng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch và tiến bộ kỹ thuật của các nước trên thế giới; tiếp tục hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các địa phương thực hiện các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về giám sát phát hiện, khoanh vùng dập dịch, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

- Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vắc xin phòng bệnh COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng bệnh COVID-19./.

Tác giả: Cổng TTĐT Bộ Y tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,035
  • Hôm nay304,091
  • Tháng hiện tại10,770,682
  • Tổng lượt truy cập456,165,804
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây