Phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030

Thứ ba - 09/05/2023 08:49 1009
(CTTĐTBP) - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3875/QĐ-BVHTTDL ngày 30/12/2022 phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”.

Đề án hướng đến mục tiêu tổng quát là nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn, phát huy các tác phẩm văn học dân gian; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học dân gian trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đưa các tác phẩm văn học dân gian vào các sinh hoạt thường xuyên tại các thiết chế văn hóa nhằm định hướng cho người dân ý thức giữ gìn, bảo tồn văn học dân gian của dân tộc mình. Thực hiện các chương trình, dự án, kế hoạch bảo tồn, phát huy tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Đề án đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2023-2026, hướng tới sưu tầm, nghiên cứu và tổ chức thực hiện công tác kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các dân tộc thiểu số; phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 40% tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy.

Phấn đấu 40% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; phấn đấu 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; phấn đấu 50% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số.

Hoàn thành phấn đấu 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh; phấn đấu hình thành được 03 - 05 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian/1 xã vùng dân tộc thiểu số để thực hành, biểu diễn và trao truyền các thể loại văn học dân gian.

Tổ chức 01 đến 02 cuộc thi, cuộc phát động sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên phạm vi khu vực hoặc toàn quốc. Đồng thời, tổ chức 01 đến 02 hội thảo khoa học về công tác sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cấp khu vực hoặc toàn quốc.

Đối với giai đoạn 2027 - 2030, phấn đấu hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể các thể loại văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên quy mô cả nước; phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số, xây dựng cơ sở dữ liệu số về văn học dân gian các dân tộc thiểu số để lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy.

Phấn đấu 80% các tác phẩm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một được áp dụng các biện pháp bảo tồn, tư liệu hóa; phấn đấu 80% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; phấn đấu 80% các công chức, viên chức văn hóa, nghệ nhân, tác giả dân gian, già làng, trưởng bản, người có uy tín... được tập huấn, bồi dưỡng về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số. 

Phấn đấu 80% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số đưa thể loại văn học dân gian vào hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức ngày hội, giao lưu cho học sinh; phấn đấu hình thành được 08 - 10 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian/01 xã vùng dân tộc thiểu số để thực hành, biểu diễn và trao truyền các thể loại văn học dân gian.

Tổ chức 01 đến 02 cuộc thi, cuộc phát động sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên phạm vi khu vực hoặc toàn quốc; tổ chức 01 đến 02 hội thảo khoa học về công tác sưu tầm văn học dân gian của các dân tộc thiểu số cấp khu vực hoặc toàn quốc.
 
Để đạt được mục tiêu nêu trên, Đề án đã đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm.

Về xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền để bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

Khảo sát, sưu tầm, kiểm kê và lập danh mục thể loại văn học dân gian truyền thống của các dân tộc thiểu số.

Tổ chức xây dựng chương trình truyền dạy, bồi dưỡng, tập huấn về văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số trong các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng và các không gian diễn xướng, thực hành phù hợp.

Lựa chọn các tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu của các dân tộc thiểu số đưa vào hoạt động giảng dạy và giáo dục ngoại khóa tại trường học.

Tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các tác phẩm văn học dân gian.

Ứng dụng khoa học, công nghệ, trọng tâm là công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tổ chức sơ kết theo giai đoạn và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Đề án tổ chức tôn vinh, khen thưởng (vào dịp sơ kết và tổng kết Đề án) đối với tác giả có tác phẩm về đề tài dân tộc thiểu số đạt giá trị nghệ thuật, nhân văn cao.

Cùng với đó, để thực hiện hiệu quả Đề án, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã đưa ra một số các giải pháp cần thực hiện. Trong đó, nhấn mạnh việc cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; đầu tư trang thiết bị công nghệ phù hợp để nâng cao khả năng tiếp cận cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng, khai thác tài nguyên số, dữ liệu về văn học dân gian các dân tộc thiểu số; phát huy hiệu quả mạng lưới phát thanh, truyền hình của Trung ương và địa phương, nâng cao chất lượng nội dung các chương trình truyền thanh, truyền hình.
 
Theo quyết định này, phạm vi thực hiện Đề án được thực hiện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
 
Đối tượng thực hiện Đề án bao gồm: Các thể loại văn học dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó phát huy các tác phẩm có giá trị tiêu biểu và hiện đang sử dụng thường xuyên; bảo tồn, lưu giữ các tác phẩm có nguy cơ bị mai một và nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các tác phẩm đã mất. Đồng bào các dân tộc thiểu số, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, nghệ nhân người dân tộc thiểu số, các già làng, trưởng thôn, bản khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Thời gian thực hiện Đề án, từ năm 2023 đến năm 2030, chia làm 02 giai đoạn: Giai đoạn I, từ năm 2023 đến 2026; giai đoạn II, từ năm 2027 đến 2030.

Sơ kết đánh giá thực hiện Đề án vào quý IV năm 2026 để xem xét, điều chỉnh cho giai đoạn sau. Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án vào quý IV năm 2030.

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được trích từ ngân sách nhà nước cấp cho việc triển khai thực hiện Đề án theo phân cấp ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương gồm: Nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch hàng năm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc; nguồn ngân sách sự nghiệp của các ban, bộ, ngành trung ương; nguồn ngân sách nhà nước của các địa phương triển khai Đề án. Ngoài ra, từ nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu, xây dựng kế hoạch, lồng ghép với các chương trình, đề án, dự án khác của trung ương, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Đề án phù hợp với đặc điểm, điều kiện của địa phương. Phân bổ kinh phí, bố trí nguồn lực cần thiết để triển khai các nhiệm vụ của Đề án nói riêng, công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển kinh tế - xã hội nói chung./.

Tác giả bài viết: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,200
  • Hôm nay234,782
  • Tháng hiện tại4,588,752
  • Tổng lượt truy cập411,330,606
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây