Những kết quả đạt được thời gian qua
Về chính quyền số, 100% thủ tục hành chính được đưa ra thực hiện tại bộ phận một cửa; Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã liên thông ngang dọc 4 cấp; hoàn thành kết nối và chia sẻ với hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tỉnh đã tích hợp kết nối trực tuyến với Cổng DVC quốc gia 1.505 DVC; đến tháng 12/2022 Bình Phước đứng thứ 4 sau Ninh Thuận, Thái Nguyên và An Giang. Tỉnh đã hoàn thành tích hợp kết nối 24/25 DVC theo Đề án 06 với Cổng DVC quốc gia (còn lại 1 DVC về lĩnh vực tài nguyên và môi trường đang thực hiện tích hợp và kết nối). Thanh toán nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai đứng đầu cả nước…
Kinh tế số, vận động các hộ sản xuất nông nghiệp tích cực tham gia giới thiệu, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm trên sàn thương mại điện tử. Đến nay, có 54.537 tổ chức, cá nhân có tài khoản mua bán hàng trên 2 sàn (postmart.vn, voso.vn) với 1.182 sản phẩm được đăng ký bán trên sàn. Ngoài ra, có khoảng 215 đơn vị tham gia Sàn, với 370 sản phẩm trưng bày trên Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh (http://ecombinhphuoc.com.vn). 100% các siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua bán. Tỉnh đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử và ứng dụng Thuế điện tử (Tax Mobile) phục vụ giao dịch điện tử nộp thuế cá nhân, không cần đến cơ quan thuế. Trong năm 2022, Bình Phước đạt tỷ trọng kinh tế số trên GDP 5%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử 99,4% (6.539/6.578 doanh nghiệp); tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số 17,6% (200/1.138 doanh nghiệp); tỷ lệ nhân lực lao động kinh tế số trong lực lượng lao động 0,33%...
Về xã hội số, hạ tầng viễn thông công cộng có kết nối nội mạng tốc độ cao, đã hoàn thành phủ sóng mạng 3G, 4G, Internet băng rộng cố định, truyền hình số mặt đất. Đã đầu tư hệ thống loa thông minh và hệ thống dữ liều nguồn được triển khai lắp đặt, đưa vào hoạt động trước thời hạn trong năm 2022. Triển khai các nền tảng dạy và học trực tuyến; số hóa giáo trình, chia sẻ tài nguyên giảng dạy; phát triển các nền tảng kết nối nhà trường và phụ huynh; hệ thống phần mềm quản lý thư viện điện tử 4.0 đã được triển khai đến 100% trường tiểu học, trung học phổ thông. Đã triển khai xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành y tế. Có 912.687 tài khoản thanh toán ngân hàng của người trưởng thành trên tổng số 762.316 người trưởng thành toàn tỉnh, bình quân đạt 119,72% (do một người có thể sở hữu nhiều tài khoản). Đã triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT và triển khai gắn thẻ thu phí điện tử không dừng (thẻ đầu cuối) trên các phương tiện ô tô trên địa bàn tỉnh…
Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới
Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của ngành NN&PTNT tỉnh là phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; chú trọng nông nghiệp thông minh; xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Thời gian qua, ngành NN&PTNT tỉnh đã chú trọng đào tạo nhân lực công nghệ thông tin phục vụ cho CĐS, tập trung đào tạo 3 đối tượng chính tham gia Chương trình OCOP (cán bộ quản lý; chủ thể của chương trình; cán bộ trong Hội đồng đánh giá các cấp về cách thức sử dụng và triển khai có hiệu quả phần mềm OCOP).
Năm 2022, ngành NN&PTNT tỉnh phấn đấu đạt 5% vùng nguyên liệu, khâu sản xuất, chế biến các sản phẩm chủ lực của tỉnh được số hóa; 10% doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị được số hóa; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị và sản phẩm OCOP từng bước số hóa, đạt 30% sản phẩm OCOP được số hóa. Tổ chức tập huấn, tuyên truyền và đào tạo cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, quản trị sản xuất; tham mưu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân sản xuất từng bước thực hiện chuyển đổi số; phát triển xã hội số gắn liền với xây dựng nông thôn mới hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; tham gia Câu lạc bộ cộng đồng chuyển đổi số do Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thành lập.
Bước đầu hình thành nền tảng dữ liệu số nông nghiệp phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, phát triển thương mại điện tử, dịch vụ nông nghiệp số trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh: (1) Đã xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung toàn tỉnh về các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trồng trọt và bảo vệ thực vật, dịch hại và phân bón, sử dụng và thường xuyên cập nhật mã 05 số vùng trồng; (2) Đang sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý lĩnh vực thú y phục vụ báo cáo dịch bệnh động vật cấp tỉnh trực tuyến qua Hệ thống VAHIS do Cục Thú y xây dựng; (3) Lĩnh vực lâm nghiệp đang ứng dụng hiệu quả các phần mềm: Quản lý động vật hoang dã, Theo dõi, cập nhật diễn biến rừng (FORMIS), Thống kê ngành lâm nghiệp, Theo dõi cháy rừng trực tuyến; (4) Phát triển nông nghiệp: Tạo lập cơ sở dữ liệu xuyên suốt đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã (thông tin hồ sơ sản phẩm OCOP, kết quả đánh giá, lịch sử thao tác, cập nhật của các đối tượng…) liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia quản lý và giám sát sản phẩm OCOP đồng bộ và thống nhất nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý, giám sát, thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm.
Định hướng phát triển
Năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Do đó, nhiệm vụ CĐS của tỉnh trong năm nay là rất nặng nề, đòi hỏi phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm và tiến hành thường xuyên, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở huy động sự tham gia tích cực của toàn dân, xã hội, doanh nghiệp. CĐS triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, dễ làm trước, khó làm sau, từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp, thực hiện một cách bài bản, thực chất, hiệu quả, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”, tránh hình thức, chủ nghĩa thành tích, tránh chồng chéo, đầu tư dàn trải, lãng phí.
Trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã và đang tập trung hoàn thành và triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, kết nối các DVC trực tuyến với Cổng DVC quốc gia, góp phần giảm thiểu thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện thông qua mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tập trung rà soát, chuẩn hóa, điện tử hóa mẫu đơn tờ khai theo hướng cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa. Thực hiện nghiêm quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, tăng cường khai thác thông tin cư trú từ CSDLQG về dân cư, không yêu cầu người dân cung cấp Giấy xác nhận tình trạng cư trú trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thương mại điện tử, thanh toán các dịch vụ, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xác thực tài khoản ngân hàng. Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, đáp ứng yêu cầu về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng khi kết nối với CSDLQG về dân cư…