Diện tích cây ăn quả tăng 13,63%, cây công nghiệp lâu năm tăng 1,01%
Cây điều tăng 3.872 ha so với năm 2017
Trong tổng diện tích cây trồng lâu năm, toàn tỉnh hiện có 10.171 ha cây ăn quả các loại, tăng 13,63% (1.220 ha) so với cùng kỳ năm 2017. Diện tích cây ăn quả tăng là do một số diện tích được trồng mới từ diện tích trồng cây hàng năm; năng suất, sản lượng của nhóm cây này tương đối ổn định, do số diện tích cho năng suất thấp đã được thay thế các loại cây khác có năng suất chất lượng cao. Mặt khác do giá cao su xuống thấp, người dân chuyển đổi từ diện tích cao su có quy mô nhỏ lẻ, già cỗi sang trồng các loại cây ăn trái.
Đối với cây công nghiệp lâu năm, toàn tỉnh hiện có 409.162 ha, tăng 1,01% (4.073 ha) so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, cây điều 138.174 ha, tăng 3.872 ha, sản lượng đạt 125.224 tấn, tăng 29,35% (28.411 tấn), sản lượng điều tăng do thời tiết năm nay thuận lợi ít mưa vào kỳ ra bông. Cây hồ tiêu 16.987 ha, giảm 191 ha, sản lượng đạt 24.306 tấn, giảm 9.462 tấn, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết, sâu bệnh, mưa nhiều nên cây tiêu ít bông; cùng với đó là việc giá tiêu giảm, việc đầu tư chăm sóc có phần hạn chế dẫn đến sản lượng tiêu giảm. Cây cao su 238.498 ha, tăng 930 ha, sản lượng đạt 352.619 tấn, tăng 22.130 tấn. Cây cà phê 15.503 ha, giảm 538 ha, sản lượng đạt 32.520 tấn, tăng 769 tấn so cùng kỳ năm trước.
Năm 2018 diện tích cây lâu năm của tỉnh vẫn tiếp tục tăng, tăng chủ yếu ở các loại cây ăn trái; diện tích cao su và điều ổn định. Năng suất, sản lượng các loại cây lâu năm nhìn chung tăng.
Về tình hình sâu bệnh, công tác bảo vệ thực vật đã được các cấp, các ngành quan tâm. Do đó, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng đều ở mức hại nhẹ, ảnh hưởng không đáng kể đến sinh trưởng và phát triển cây trồng. Một số sâu bệnh phát sinh gây hại nổi bật trên các loại cây trồng như: Cây lúa chủ yếu là sâu rầy nâu; cây hồ tiêu chủ yếu là bệnh chết nhanh, chết chậm diễn ra ở huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh và thị xã Bình Long.
Cây cà phê có bệnh khô cành, rệp sáp, rỉ sắt, mọt đục cành. Trên cây điều xuất hiện các loại sâu đục thân, bọ xít muỗi, bọ đục chồi, bệnh thán thư, bọ trĩ. Các loại sâu bệnh hại trên cây cao su là nấm hồng, loét sọc miệng cạo, nứt thân xì mủ, bệnh phấn trắng. Trên cây ăn trái chủ yếu xuất hiện ruồi đục trái, xì mủ thân, thán thư. Trên rau màu của bà con thường bị sâu xanh, bọ nhảy, ruồi đục trái, thán thư... gây hại.
Trâu, bò, heo đều tăng
Tổng đàn trâu trên địa bàn toàn tỉnh là 12.881 con
Trong năm 2018, tổng đàn gia súc, gia cầm và chăn nuôi khác trên toàn tỉnh phát triển tương đối ổn định. Chăn nuôi gia súc theo hình thức công nghiệp, tập trung quy mô lớn đang có chiều hướng phát triển. Tính đến 01/10/2018, tổng đàn trâu trên địa bàn toàn tỉnh là 12.881 con, tăng 2,69% (337 con) so với cùng kỳ năm 2017.
Tương ứng, tổng đàn bò 37.520 con, tăng 4,67% (1.675 con); tổng đàn lợn 507.467 con, tăng 43,36% (153.496 con); đàn gia cầm 5.267 ngàn con, tăng 7,69% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thịt trâu hơi đạt 1.210 tấn, tăng 6,89% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt bò hơi đạt 2.754 tấn, tăng 2,52%; sản lượng thịt lợn hơi đạt 53.388 tấn, tăng 19,93%; thịt gia cầm đạt 17.900 tấn, tăng 6,55%; trứng gia cầm đạt 115.700 ngàn quả, giảm 7,74%.
Nguyên nhân đàn trâu, bò tăng phần lớn là do một số huyện đã thực hiện các chính sách đầu tư vốn cho nông dân, theo chương trình nông thôn mới nhằm giúp cải thiện đời sống cho bà con. Đối với đàn heo tăng do trong kỳ điều tra một số trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi đang trong thời kỳ tái đàn trở lại. Bên cạnh đó, trong năm đã tăng thêm 3 doanh nghiệp và 2 trang trại tại huyện Lộc Ninh mới đi vào hoạt động, nên số lượng đầu con tăng lên.
Trong năm, công tác thú y được quan tâm nên tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm không xảy ra nguy hiểm. Ngành thú y thường xuyên thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng vắc-xin như: dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng ở gia súc, cúm gia cầm...; tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm dịch sản phẩm động vật trước khi xuất bán tiêu thụ; kiên quyết tiêu hủy thịt không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như xử lý gia súc, gia cầm không có giấy chứng nhận vận chuyển đi qua địa bàn tỉnh./.