(CTTĐTBP) - Qua 6 năm thực hiện Luật hộ tịch, công tác đăng ký, quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh dần đi vào ổn định, nề nếp, cơ sở vật chất từng bước được cải thiện.
Theo Báo cáo số 271/BC-UBND ngày 23/8/2022 của UBND tỉnh, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 21 công chức, người lao động làm công tác hộ tịch tại 11 Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố (cấp huyện) và 179 công chức, người lao động làm công tác hộ tịch tại 111 xã, phường, thị trấn (cấp xã), trong đó có 47 xã, phường, thị trấn bố trí 2 công chức làm công tác hộ tịch. Về trình độ chuyên môn, công chức, người lao động làm công tác hộ tịch tại cấp xã có trình độ đại học trở lên là 156/179 công chức (chiếm 87%); trình độ trung cấp có 23/179 công chức (chiếm 13%); trình độ chuyên môn luật có 138/179 công chức (chiếm 77%), trình độ chuyên môn khác 41/179 công chức (chiếm 23%).
Triển khai thực hiện Luật hộ tịch, công chức hộ tịch xác định được tầm quan trọng của công tác này nên đã tuân thủ trình tự, thủ tục của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành. Công chức hộ tịch tham gia đầy đủ các lớp đào tạo nghiệp vụ, nghiên cứu tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ nghiệp vụ nên không có vụ việc khiếu nại, tố cáo về công tác hộ tịch. Hàng năm, Sở Tư pháp đều có kế hoạch kiểm tra tại các địa phương để kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, từ đó hướng dẫn, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Thực hiện Đề án trang bị phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch đối với UBND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Bình Phước và Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh, Sở Tư pháp và UBND cấp huyện đã được trang bị phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch. Từ ngày 01/4/2019, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện và 111/111 xã, phường, thị trấn đã khai thác, sử dụng Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch điện tử. Việc triển khai, sử dụng hệ thống này bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tạo môi trường làm việc khoa học, hiệu quả, từng bước hiện đại hóa nền hành chính; đảm bảo kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, giữa Cơ sở dữ liệu điện tử toàn quốc với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện đã bố trí tốt cơ sở vật chất cho công tác hộ tịch. Ở cả 3 cấp, công chức làm công tác hộ tịch đều được trang bị máy tính, máy scan, máy in có kết nối mạng internet phục vụ cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Công tác số hoá luôn được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo và đang tiến hành thực hiện theo lộ trình đề ra. Hiện nay đã thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với 100% các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực hộ tịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh./.