Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch Liên hiệp hội Nguyễn Thị Lan Hương cho biết: Đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh hiện có trên 24.000 người. Số lượng trí thức tăng nhanh qua các năm, tuy nhiên chưa mạnh, còn mất cân đối giữa các lĩnh vực, ngành nghề. Một số ngành mũi nhọn như khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, giáo dục, y tế còn thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn sâu. Chất lượng đội ngũ trí thức hoạt động trong cơ quan nhà nước còn có nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra cho mỗi cấp, mỗi ngành; năng lực nghiên cứu, sáng tạo của một bộ phận trí thức chưa tốt, chưa có khả năng nghiên cứu độc lập, chưa có đề xuất những dự án lớn…
Bên cạnh đó, việc thu hút đội ngũ trí thức có trình độ chuyên gia còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng những nhu cầu, mục tiêu đề ra. Tình trạng “chảy máu chất xám” vẫn diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực. Do đó, việc thu hút đội ngũ trí thức trẻ nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ, sáng tạo phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là rất cần thiết.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề về vai trò, vị trí, trách nhiệm của trí thức đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh và đất nước. Do đó, trí thức trước hết phải thể hiện được giá trị, bản lĩnh, năng lực của mình đối với đơn vị, cơ quan, mối quan tâm chung của toàn xã hội đặt ra. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cần phải có một chính sách về cơ chế, chế tài khen thưởng hợp lý cho những trí thức có năng lực thực sự. Nhiều đại biểu cho rằng tiếng nói của trí thức hiện chưa được coi trọng đúng mức, ý kiến đóng góp của trí thức mang tính nhạy cảm cao. Vì vậy, hầu hết các trí thức chưa mạnh dạn thể hiện những quan điểm, ý kiến đóng góp mang tính phản biện cao./.
Sỹ Luân