(CTTĐTBP) - Sáng 15/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề "Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025".
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Bình Phước
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo về tình hình cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp từ năm 2021 đến nay và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2022-2025.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong những thành tố cấu thành quan trọng của đột phá thể chế phát triển (1 trong 3 đột phá chiến lược), trong đó tập trung cải cách TTHC, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Quan điểm lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và là động lực của cải cách hành chính.
Hiện đại hóa công tác chỉ đạo, điều hành là công cụ quan trọng trong đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại; trụ cột quan trọng trong xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số. Để thực hiện thành công nhiệm vụ quan trọng này rất cần sự đổi mới về nhận thức, tư duy lẫn hành động của người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Từ năm 2021 đến nay, về cải cách TTHC, cả nước đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.700 quy định kinh doanh tại 143 văn bản quy phạm pháp luật; thành lập 11.700 bộ phận một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, 1 địa phương thành lập bộ phận một cửa tập trung (TP. Đà Nẵng), 6 địa phương vẫn duy trì mô hình bộ phận một cửa tại các sở, ban, ngành cấp tỉnh...
Đối với tỉnh Bình Phước, những tháng đầu năm 2022, số dịch vụ công mức độ 3, 4 của tỉnh là 1.651 dịch vụ, chiếm 87,5% tổng số dịch vụ công đang cung cấp. Tuy nhiên, chỉ có 449 dịch vụ công phát sinh hồ sơ, chiếm 27,2%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC xử lý trực tuyến các tháng đầu năm chỉ đạt 21,62%. Hai chỉ tiêu chủ yếu này đạt rất thấp so với mục tiêu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đề ra trong kế hoạch hoạt động năm 2022.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tạo nề nếp cho cả người dân và cơ quan hành chính nhà nước trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 01/6/2022 phát động Chiến dịch cao điểm 92 ngày đêm nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển chính quyền số.
Qua 2 tháng triển khai chiến dịch (từ ngày 01/6/2022 đến 29/7/2022), tỷ lệ xử lý hồ sơ dịch vụ công trực tuyến tăng từ 21,6% lên 96,9%; tỷ lệ hồ sơ quá hạn giảm từ 2,9% xuống còn 0,5%.
Bình Phước đã triển khai thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thực hiện thanh toán trực tuyến phí và lệ phí 4.336 giao dịch với số tiền hơn 765,1 triệu đồng; thanh toán nghĩa vụ tài chính 50.461 giao dịch thành công với số tiền hơn 410,3 tỷ đồng.
Hội nghị nhằm đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện, sâu sắc các nhiệm vụ về đẩy mạnh cải cách TTHC và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua của Chính phủ và chính quyền các cấp; kết quả đạt được, những việc chưa làm được; chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo, bảo đảm thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm triển khai có hiệu quả, thực chất công tác này.