Nhiều ý kiến đồng tình với việc quy hoạch bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.
Đề án quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, đơn vị tư vấn là Trung tâm Tài nguyên nước và Môi trường (TP. Hồ Chí Minh). Thời gian thực hiện đề án này kéo dài trong 18 tháng, trên quy mô toàn tỉnh và nguồn khảo sát chủ yếu là nước mặt và nguồn nước ngầm.
Nguồn tài nguyên nước mặt chủ yếu là ở các hồ thủy lợi, thủy điện, sông suối. Đối với nguồn nước ngầm, theo thống kê của Sở Tài nguyên - Môi trường thì đến cuối năm 2014 có 58 cơ sở được cấp phép khai thác sử dụng, với công suất trên 19.400 m3 nước/ngày đêm; các hộ gia đình có trên 145.000 giếng nước.
Đề án đã đưa ra những phương án, giải pháp để quy hoạch, bảo vệ nguồn tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đặc biệt đề cao giải pháp quản lý và giải pháp hành chính để bảo vệ nguồn tài nguyên này. Tại buổi làm việc, đa số ý kiến của thành viên hội đồng đều đánh giá cao kết quả nghiên cứu, khảo sát. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã tỏ ra quan ngại về mục tiêu đến năm 2030: “Toàn tỉnh sẽ sử dụng 100% từ nước ngầm để phục vụ sinh hoạt, sản xuất và công nghiệp”.
Sau khi nghe ý kiến của các nhà khoa học và các thành viên hội đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Trai đã yêu cầu đơn vị tư vấn ghi nhận các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa hoàn thiện; nhất là các mục tiêu đưa ra cần phải đảm bảo tính sát thực dựa trên những thống kê của tỉnh và có khảo sát thực tế trên địa bàn./.
Xuân Nguyên