Sóc Trăng - Bình Phước: Trao đổi kinh nghiệm xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý sản phẩm nông sản

Thứ ba - 11/06/2019 17:00
(CTTĐTBP) - Ngày 10/6, đoàn công tác của tỉnh Sóc Trăng do đồng chí Tăng Văn Dĩa - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Sóc Trăng làm trưởng đoàn, đã có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước để tham khảo kinh nghiệm xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước” (HĐBP).
tiep doan soc trang trao doi kinh nghiem chi dan dia ly
Đồng chí Hà Anh Dũng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước phát biểu tại buổi làm việc
 
Tại buổi làm việc, Thạc sĩ Nguyễn Minh Quang - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước đã giới thiệu sơ lược về tình hình xây dựng và quản lý Chỉ dẫn địa lý “HĐBP”. Theo đó, Chỉ dẫn địa lý “HĐBP” được xây dựng trên cơ sở triển khai các hợp phần liên quan thuộc Dự án “Hỗ trợ phát triển Chỉ dẫn địa lý ở Việt nam” do Cơ quan phát triển Pháp và Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) hỗ trợ thực hiện và đã được Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho các sản phẩm: Hạt điều nguyên liệu, hạt điều nhân trắng và hạt điều rang muối.

Trên cơ sở đó, Sở KH&CN tỉnh Bình Phước đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý, sử dụng và kiểm soát Chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho sản phẩm hạt điều. Thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao, Sở KH&CN đã ban hành Quy chế trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho sản phẩm hạt điều tại Quyết định số 806/QĐ-SKHCN ngày 26/9/2018. Đến nay đã có 6 doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sử dụng Chỉ dẫn địa lý “HĐBP” và qua xem xét thẩm định đã có 4 doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý này. Trong quá trình quản lý, Sở KH&CN tỉnh Bình Phước đã tổ chức kiểm tra tình hình sử dụng của các doanh nghiệp đã được cấp quyền để nắm bắt thực tế tình hình sử dụng Chỉ dẫn địa lý “HĐBP” của các doanh nghiệp nêu trên; đồng thời tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp này ứng dụng công nghệ thông minh trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, để từ đó có những giải pháp quản lý tốt hơn, phát huy được giá trị sản phẩm hạt điều được mang Chỉ dẫn địa lý Bình Phước.

Để làm tốt công tác truyền thông, quảng bá Chỉ dẫn địa lý “HĐBP”, Sở KH&CN tỉnh Bình Phước và Hội điều Bình Phước đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ đón nhận văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, lồng ghép tổ chức Hội nghị khách hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm Chỉ dẫn địa lý “HĐBP” và Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Giải pháp phát triển ngành hàng điều gắn với Chỉ dẫn địa lý ‘HĐBP’”; phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ phát hành cuốn cẩm nang Chỉ dẫn địa lý “HĐBP”; phát hành sổ tay Quy chế quản lý, sử dụng và kiểm soát Chỉ dẫn địa lý Bình Phước cho sản phẩm hạt điều; quảng bá, giới thiệu các sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý “HĐBP” tại các hội nghị lớn của tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Về cơ chế, chính sách, vừa qua, Sở KH&CN tỉnh Bình Phước đã trình UBND tỉnh xem xét ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2019 - 2020 và kế hoạch thực hiện Đề án truy xuất nguồn gốc của Chính phủ theo Quyết định số 100/QĐ-TTg, trong đó đã tham mưu một số nhiệm vụ ưu tiên cho phát triển Chỉ dẫn địa lý “HĐBP”, đặc biệt chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tiếp thu kinh nghiệm của tỉnh Bình Phước, đồng chí Tăng Văn Dĩa cho biết: Cuối tháng 5/2019, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hành tím Vĩnh Châu của tỉnh Sóc Trăng và Sở KH&CN tỉnh này là cơ quan quản lý Chỉ dẫn địa lý sản phẩm hành tím Vĩnh Châu. Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng vì có màu sắc đẹp (màu tím hoặc đỏ nhạt), kích thước và trọng lượng củ lớn trong khi số tép hành hoặc củ hành nhỏ, vì vậy thuận tiện cho việc chế biến. Vỏ củ hành mượt, độ giòn lớn, mùi cay nồng nhưng không hắc, sản phẩm có thể để tồn trữ trong một khoảng thời gian dài mà không cần chất bảo quản nhưng chất lượng vẫn được đảm bảo.

Sản phẩm hành tím Vĩnh Châu là chỉ dẫn địa lý đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận. Đồng chí Tăng Văn Dĩa cho rằng chuyến công tác tại tỉnh Bình Phước lần này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho các cơ quan liên quan của tỉnh Sóc Trăng tham khảo kinh nghiệm của tỉnh Bình Phước để từ đó có giải pháp quản lý và phát triển tốt Chỉ dẫn địa lý sản phẩm hành tím Vĩnh Châu.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Hà Anh Dũng - Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Phước cho biết: Với ưu thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bình Phước đều có tiềm năng rất lớn để phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái cho giá trị kinh tế cao và đây là cơ hội rất tốt để hai địa phương tạo lập kênh trao đổi thông tin thường xuyên nhằm chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp hữu hiệu trong công tác tạo lập, quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa phương./.

Tác giả: Thanh Liêm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,334
  • Hôm nay798,945
  • Tháng hiện tại17,750,249
  • Tổng lượt truy cập477,642,936
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây