Phát triển công nghiệp ở Chơn Thành

Thứ hai - 03/10/2022 10:18
(CTTĐTBP) - Chơn Thành là một trong những địa phương của tỉnh Bình Phước có nhiều lợi thế, thế mạnh để phát triển công nghiệp, được xem là “cánh chim đầu đàn” trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước.
z3769259060593 628b488faca78670f986c1fc5dbf2e35
Mộc góc nhìn từ trên cao của Khu công nghiệp Minh Hưng 3
Chơn Thành nằm trên trục Quốc lộ 13 - trục kết nối Bình Phước với các tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Vương quốc Campuchia thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Chơn Thành cũng là điểm cuối Quốc lộ 14 và là đoạn đầu của đường Hồ Chí Minh nối dài. Chính tuyến giao thông này đã kết nối Chơn Thành nói riêng và tỉnh Bình Phước nói chung với các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Bên cạnh đó, Chơn Thành có 390,34 km2 diện tích tự nhiên và dân số 121.083 người, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp. Ngoài ra, Chơn Thành đã chủ động cải cách thủ tục hành chính và xây dựng nhiều dịch vụ bổ trợ cho phát triển công nghiệp, đặc biệt là đảm bảo an ninh trật tự trong các khu công nghiệp (KCN) và trên địa bàn. Nhờ đó, thị xã đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, phát triển công nghiệp.

KCN Chơn Thành (nay là KCN Chơn Thành I với diện tích 125ha và Chơn Thành II với diện tích 76ha) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sớm nhất tại tỉnh Bình Phước vào năm 1999. Kể từ đó đến nay, trên địa bàn Chơn Thành có 5 KCN, trong đó KCN Minh Hưng - Hàn Quốc và KCN Minh Hưng III có tỷ lệ lấp đầy trên 95%. Để thu hút được lượng doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại các KCN, ngoài việc quy hoạch nằm ngay trên các trục đường thuận lợi để thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, thì hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp cũng được thị xã quan tâm đầu tư hoàn thiện.

Trong số 5 KCN tại Chơn Thành, Liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex Bình Phước với quy mô hơn 4.600ha là KCN lớn nhất ở Bình Phước. Khu liên hợp này là kết quả của sự hợp tác giữa 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Dự án được triển khai theo mô hình Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ mà Tổng Công ty Becamex IDC đã vận hành rất hiệu quả tại tỉnh Bình Dương và một số tỉnh thành khác trước đó. Khu liên hợp này tập trung đa ngành nghề: Điện máy, điện công nghiệp và gia dụng; điện tử, tin học, công nghệ thông tin, viễn thông; công nghệ chế biến lương thực, thực phẩm, nông - lâm sản… Bên cạnh đó, các công trình, dịch vụ: Y tế, giáo dục, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, khu mua sắm, vui chơi giải trí, trung tâm văn hóa - thể thao cộng đồng, nhà ở xã hội... cũng được triển khai đầu tư tại đây, nhằm giúp bảo đảm nhu cầu sinh hoạt cho hơn 200 nghìn người dân, công nhân và nhà đầu tư đang sinh sống và làm việc tại đây.

Nhận định về môi trường đầu tư tại Bình Phước và Chơn Thành, lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC cho biết: Với những thay đổi mạnh mẽ và quyết liệt của tỉnh Bình Phước, từ chính sách đồng hành cùng doanh nghiệp đến những thay đổi về thủ tục hành chính luôn tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp. Song hành với chính sách là đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống y tế, giáo dục công, tin tưởng rằng Bình Phước và Chơn Thành sẽ nắm bắt rất nhiều ưu thế trong việc đón nhận làn sóng đầu tư mới. Đến nay, Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước đã thu hút được trên 50 dự án, với tổng diện tích khoảng 2.500 ha, quy mô vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Dự án tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà của Công ty TNHH CPV Food là một trong những doanh nghiệp FDI có mặt sớm nhất tại KCN Becamex - Bình Phước (phường Minh Thành, thị xã Chơn Thành). Dự án được tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đầu tư năm 2018 và đến cuối năm 2020 Công ty này đã có lô hàng xuất khẩu thịt gà ra nước ngoài. Đây là dự án chăn nuôi và giết mổ quy mô lớn cả nước và được xem là động lực phát triển, nâng cao vị thế ngành kinh doanh gà thịt trên thị trường quốc tế của Bình Phước nói riêng và Việt Nam nói chung. Mặt khác, tổ hợp nhà máy xuất khẩu gà của Công ty này sẽ giúp tăng nguồn thu cho tỉnh, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Ông Surasak Aroonsiriwattana, Giám đốc Nhà máy chế biến thực phẩm (Công ty TNHH CPV Food), cho biết: “Chúng tôi chọn Chơn Thành là điểm đến để đầu tư, vì đây là địa bàn được khoanh vùng an toàn dịch bệnh. Mặt khác, tại KCN Becamex - Bình Phước có diện tích lớn, chúng tôi xây dựng được tổ hợp nhà máy thức ăn chăn nuôi, nhà máy ấp trứng và nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, từ Chơn Thành đến cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) chỉ mất khoảng 100km, sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa được thuận lợi và chi phí vận chuyển không quá cao”.

Ông Surasak Aroonsiriwattana cho biết thêm: “Khi đến KCN này đầu tư, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ và tạo điều kiện trong việc tìm mặt bằng xây dựng; được hỗ trợ về hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý nước thải… để phục vụ triển khai xây dựng dự án. Công ty cũng nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt tuyển dụng nhân lực từ tỉnh và thị xã. Trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Công ty phải thực hiện “ba tại chỗ”, đó là khoảng thời gian rất khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực về mọi mặt từ tỉnh Bình Phước, thị xã Chơn Thành và KCN”.

Nhờ thực hiện đúng định hướng phát triển của tỉnh, Chơn Thành đã và đang trở thành địa phương có cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2019 -2021 trung bình đạt 17,37%; thu nhập bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với thu nhập bình quân cả nước. Hiện nay, Chơn Thành đã lên thị xã, đây là động lực to lớn để địa phương này phát triển trong giai đoạn tiếp theo, trong đó có việc đẩy mạnh phát triển công nghiệp./.

Tác giả: Nhật Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,594
  • Hôm nay409,989
  • Tháng hiện tại11,730,316
  • Tổng lượt truy cập457,125,438
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây