Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước

Thứ bảy - 01/10/2022 19:17

(CTTĐTBP) - Sau khi dự lễ công bố Nghị quyết 570/NQ-UBTVQH15 ngày 11/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã, chiều nay 01/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch Covid-19; triển khai giám sát các chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, 2023.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Tiếp và làm việc với đoàn, có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban, sở, ngành của tỉnh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước

 

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và các chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sau đại dịch Covid-19

9 tháng, Bình Phước thu ngân sách 11.500 tỷ đồng

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI đã đề ra các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; xác định nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa Bình Phước từ vị trí “dự trữ phát triển” thành động lực phát triển thực sự trong vùng Đông Nam Bộ với 6 nhóm giải pháp lớn. 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã xây dựng và ban hành 60 kết luận, nghị quyết, chỉ thị, đề án trên tất cả các lĩnh vực trọng điểm. Trong đó, về phát triển kết cấu hạ tầng, Bình Phước đang đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng giao thông, bao gồm 2 dự án đường cao tốc kết nối Bình Phước - Đắk Nông và Bình Phước - TP. Hồ Chí Minh; các tuyến đường kết nối với tỉnh Bình Dương (Đồng Phú - Tân Uyên, Tây Quốc lộ 13); tập trung các dự án quan trọng nhằm kết nối vùng và nội tỉnh.

Về phát triển hạ tầng xã hội và đô thị, ngoài việc triển khai thực hiện công tác quy hoạch để thu hút các nhà đầu tư phát triển các dự án đô thị, khách sạn, sân golf, trường học, bệnh viện…, tỉnh quy hoạch phát triển 18 dự án nhà ở xã hội, trong đó đã tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội với 9 dự án/63ha…

Đối với lĩnh vực công nghiệp, Bình Phước đang tích cực thúc đẩy việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn. Hiện đã tỉnh quy hoạch 13 khu công nghiệp, với tổng diện tích 6.061 ha; đang triển khai quy hoạch các khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú tại địa bàn 2 xã Tân Lập và Tân Hòa, huyện Đồng Phú với quy mô 4.000 ha… Bình Phước cũng đã rất nỗ lực và được xếp hạng khá cao về chuyển đổi số (đứng thứ 9/63 tỉnh, thành cả nước). 

Về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Bình Phước xếp hạng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức 3, mức 4; đến nay có 1.474 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố)… 

Đối với việc huy động nguồn lực đầu tư, trên cơ sở định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư, Bình Phước đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, đã sửa đổi, bổ sung ban hành chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển tỉnh, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 tổng vốn đầu tư toàn xã hội 210.000 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách khoảng 40.000 tỷ đồng, khu vực tư nhân khoảng 120.000 tỷ đồng, đầu tư FDI khoảng 50.000 tỷ đồng (khoảng 2,2 tỷ USD).

9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của Bình Phước đạt 9,01%; thu ngân sách thực hiện 11.500 tỷ đồng, tăng 27,5% so cùng kỳ năm 2021; tổng chi ngân sách thực hiện 10.053 tỷ đồng, tăng 1% so cùng kỳ. Xuất khẩu đạt 3.140,75 triệu USD, tăng 9,53% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,6% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.986,5 triệu USD, tăng 4,08% so cùng kỳ năm 2021, đạt 81,75% so với kế hoạch năm.

Kiến nghị, đề xuất những vấn đề mang tính chiến lược

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, kết quả đạt được, cũng như một số mặt tồn tại, hạn chế, Bình Phước cũng đã có một số kiến nghị, đề xuất đến Chủ tịch Quốc hội và các thành viên đoàn công tác liên quan đến Dự án cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và quy hoạch các khu công nghiệp Đông Nam Đồng Phú.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường kiến nghị nhiều vấn đề mang tính chiến lược, trọng tâm là kết nối giao thông liên vùng

Nhấn mạnh thêm một số thuận lợi, khó khăn của Bình Phước, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Sau 25 tái lập, Bình Phước từ vùng trũng đã vượt qua mức trung bình của cả nước. Một số lĩnh vực Bình Phước phát triển nhanh. Thành quả này phần lớn nhờ sự quan tâm ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: Bình Phước có 2 lợi thế nổi bật nhất về vị trí địa lý và đất đai, tuy nhiên quy mô kinh tế vẫn còn hạn chế, thu ngân sách có nhiều đột phá nhưng chưa bền vững, quy mô dân số còn nhỏ. Để khắc phục những hạn chế này, tỉnh đã chủ động xây dựng quy hoạch, cùng với đó là các chủ trương phát triển trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Để khắc phục bất lợi xa vị trí trung tâm của vùng Đông Nam Bộ, Bình Phước đã chủ động xây dựng kết nối giao thông để liên kết vùng. Trong đó, điểm nhấn là các tuyến cao tốc để kết nối với TP. Hồ Chí Minh và khu vực Tây Nguyên. Tỉnh rất mong các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ trong vấn đề này.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biểu dương và đánh giá cao kết quả mà Bình Phước đạt được thời gian qua. Nhận diện “điểm ngẽn” lớn nhất cản trở sự phát triển chung của tỉnh liên quan đến hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bình Phước tập trung phát triển lĩnh vực này. Trong đó, dồn lực vào các công trình giao thông trọng tâm, trọng điểm, bởi thực tế thời gian qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh còn thấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành lưu ý, Bình Phước đầu tư phải có chọn lựa, hạn chế tối đa việc đầu tư dàn trải. Cùng với đó, tỉnh cần làm tốt công tác quy hoạch, đẩy nhanh quy hoạch tổng thể, từ đó thu hút nhà đầu tư bằng các dự án quy hoạch tốt.

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho rằng, đây là những kiến nghị chính đáng, tác động tích cực đến sự phát triển của địa phương. Các bộ, ngành Trung ương sẽ xem xét có hướng tham mưa, đề xuất hợp lý.

Trên cơ sở ý kiến của đại diện cơ quan hữu quan, chính quyền địa phương, thay mặt Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ một lần nữa khẳng định vị trí chiến lược quan trọng của Bình Phước. Đây được xem là vùng dự trữ phát triển cho khu vực TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương.

 

img 5193 18545601102022


Từ một tỉnh xuất phát điểm thấp, với 75% làm nông nghiệp, Bình Phước đã “thức tỉnh” phát triển mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả lĩnh vực từ kết cấu hạ tầng, công nghiệp đến thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng doanh nghiệp của tỉnh còn ít, tỉnh chưa tự chủ được thu - chi ngân sách, chuyển dịch lao động chưa tương xứng với chuyển dịch kinh tế. Dó đó, Bình Phước cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đa dạng hóa các loại hình kinh doanh từ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

 

Đối với bài toán quy hoạch, hạ tầng “cứng”, hạ tầng “mềm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bình Phước tính toán khoa học, luôn chủ động, sẵn sàng đón làn sóng từ các nhà đầu tư. Liên quan đến cao tốc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề quan trọng của quốc gia, do đó Quốc hội, Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm và ưu tiên hàng đầu nguồn ngân sách hỗ trợ để triển khai thực hiện.

Tại buổi làm việc, bà Lê Nữ Thùy Dương, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành trao tặng 2 tỷ đồng cho Quỹ khuyến học của tỉnh./.

Tác giả: Đài PT-TH&BBP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,701
  • Hôm nay163,292
  • Tháng hiện tại9,610,032
  • Tổng lượt truy cập493,473,470
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây