Xuân 2023 - Nghĩ về kỳ tích và nguồn cội!

Chủ nhật - 22/01/2023 09:14
(CTTĐTBP) - Xuân này, đất nước thật sự đã ra biển lớn! Ra biển lớn là lúc nhớ về… tất cả! Nhớ nguồn cội, nhớ lúc khó khăn gian khổ, nhưng cũng phải nhớ những điều đang diễn ra trong hiện tại và cả những điều sẽ diễn ra trong tương lai với tâm thế của người hiểu biết: Biết mình, biết người, biết việc…
Với người Việt, kết thúc năm âm lịch, mới có Tết. Mà có Tết mới có thêm tuổi mới. Người già được mừng thọ. Trẻ nhỏ được mừng tuổi cho hay ăn, chóng lớn. Vậy nên, Tết là mốc thời gian rất quan trọng.

Với những người cao tuổi, Tết không chỉ là dấu mốc thời gian đơn thuần mà còn là dấu mốc của đời người, dấu mốc của những đổi thay phải suy ngẫm về nhân tình thế thái. Đã là suy ngẫm thì mỗi người ngẫm một cách. Ở hoàn cảnh khác nhau người ta có cách nhìn khác nhau. Từ cách nhìn khác nhau có cách suy ngẫm khác nhau. Bởi thế, những suy ngẫm của người này không áp đặt cho người khác, có chăng chỉ là chia sẻ khi Tết đến xuân về mà thôi. Với tôi, tuổi ngoại thất tuần, thời nay chưa thể coi là nhiều, vậy mà cũng đã trải qua những cái Tết ghi đậm trong ký ức.

Tết năm Canh Tuất 1960, miền Bắc đang rầm rộ bước vào thời kỳ đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tuy không biết xã hội chủ nghĩa là gì nhưng phong trào hợp tác xã khởi đầu thật là khí thế! Tôi phấn khởi lắm vì được tham gia đội kỹ thuật của hợp tác xã. Vừa có chữ, lại trẻ khỏe mới được tham gia. Vậy là quên đói, quên rét, chăm sóc bèo hoa dâu cho tới giáp Tết chưa muốn nghỉ. Người dân cũng rất vui vì làm chung, ăn chung, tuy còn thiếu đói lắm nhưng hơn hẳn năm 1945 khi cả làng ăn cháo, ăn củ chuối! Bởi thế, ngày đi làm, tối dạy lớp học bổ túc, tôi không thấy mệt.

Hào hứng nhất là khi truyền đạt bài thơ Ba mươi năm đời ta có Đảng của nhà thơ Tố Hữu. Nghĩ lại, trình độ tôi lúc bấy giờ hiểu còn chưa thấu vậy mà bình giảng thơ cho học viên bổ túc văn hóa là người đã cao tuổi. Ấy thế mà các học viên hứng khởi và thán phục lắm.

"Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay/ Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm" là đạo lý, là uống nước nhớ nguồn. Nếu không có Đảng chúng ta còn đang mù chữ, còn đang chết đói, còn đang nô lệ! Sông có nước là nhờ có suối. Bây giờ ta đã ra sông thì phải nhớ suối, rồi mai đây ta ra biển lại phải nhớ sông. Thế gọi là có gốc, có nguồn cội. Mà có gốc, có nguồn cội mới bền vững được. 

Xuân này tăng trưởng GDP hơn 8%, thật là kỳ tích, làm sao không vui. Tiếc rằng những người nghe tôi "dạy thơ" hơn nửa thế kỷ trước đều đã là người thiên cổ, không thể chung vui cùng chúng ta mùa xuân này, mùa xuân mà khi ấy tôi nói trong niềm mơ ước về tương lai xa xôi "rồi mai đây ra biển lớn"!

Xuân này, đất nước thật sự đã ra biển lớn! Theo logic tôi đã trình bày hơn nửa thế kỷ trước là ra sông nhớ suối, ra biển nhớ sông thì hơi "bổ túc văn hóa" quá! Vậy bây giờ ra biển lớn ta nhớ gì? Cái cũ, lỗi thời bỏ đi là đúng rồi, nhưng cái mới là gì cũng phải có trong đầu mới suy ngẫm được! Thiết nghĩ, bây giờ ra biển lớn phải nhớ về… tất cả! Nghĩa là phải nhớ sông, nhớ suối, nhớ nguồn cội, nhớ lúc khó khăn gian khổ, nhưng cũng phải nhớ những điều đang diễn ra trong hiện tại và cả những điều sẽ diễn ra trong tương lai với tâm thế của người hiểu biết: Biết mình, biết người, biết việc và… biết điều! Biết mình, biết người chắc không phải giải thích thêm, nhưng biết việc và biết điều có lẽ cũng cần nói cho rõ ý.

Nói như Nguyễn Trãi thì "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân"! Trong những ngày tháng dịch COVID-19 hoành hành, cả hệ thống chính trị cùng toàn dân vào cuộc, dẫu có lúc có nơi chưa hoàn toàn thắng lợi nhưng cũng phải thấy, trên thế giới hiếm có nơi nào như ở Việt Nam. Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước không quản ngày, đêm trực tiếp chỉ đạo chống dịch. Nước chưa giàu nhưng mọi nguồn lực ưu tiên cho dân chống dịch. Các lãnh đạo trực tiếp làm "ngoại giao vaccine", nhờ thế mà nước không sản xuất được vaccine như Việt Nam vẫn có đủ vaccine tiêm cho người dân với tỷ lệ cao nhất thế giới.

Nước chưa giàu nhưng cũng chi hàng nghìn tỷ đồng chia sẻ khó khăn với người dân, với người lao động và doanh nghiệp. Phải chăng đó chính là việc nhân nghĩa, và nhờ chính sách nhân văn mà toàn dân gắn kết cùng nhau vượt khó, chuyển trạng thái nhanh từ "zero COVID" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Và cuối cùng, năm 2022 chúng ta đã có tăng trưởng rất cao so với khu vực và thế giới. GDP với 8,02% - là mức tăng trưởng lý tưởng đối với bất kỳ một nền kinh tế nào trong điều kiện hiện nay.

Lạm phát ổn định, việc làm được đặc biệt quan tâm. Đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, kiên trì chủ trương "chọn lẽ phải" đã ngày càng làm cho vị thế Việt Nam cao hơn trên trường quốc tế. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam, coi Việt Nam như hình mẫu trong quan hệ hợp tác với Liên Hợp Quốc. Quan hệ ba nước Đông Dương, Việt Nam-Lào -Campuchia duy trì tình hữu nghị hợp tác đặc biệt. Quan hệ với Trung Quốc hòa bình, hữu nghị, đẩy mạnh hợp tác kinh tế, kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định. Với Mỹ và các nước phương Tây ngày càng phát triển, đặc biệt trong thương mại tự do. Với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ tình hữu nghị, hợp tác càng đi vào chiều sâu, hiệu quả. Với các nước ASEAN, Việt Nam luôn có đóng góp tích cực, thiết thực. Nhìn chung, Việt Nam thực sự là bạn, là đối tác đáng tin cậy của khu vực và cộng đồng quốc tế!

Việc không thể kể hết nhưng có thể tổng kết đối nội, đối ngoại đều thành công bởi thể hiện rõ "việc nhân nghĩa" có tính bản sắc của Việt Nam. Và để có thành công, đương nhiên phải biết việc. Đảng biết việc lãnh đạo toàn xã hội của mình trong điều kiện mới. Quốc hội biết vai trò lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề hệ trọng quốc gia. Chính phủ với vai trò hành pháp năng động, sáng tạo, quyết đoán đã xử lý hàng loạt vấn đề đạt hiệu quả cao, đưa nền kinh tế phát triển, văn hóa-xã hội ổn định. Tư pháp cũng hành động quyết liệt, bài bản và hiệu quả.

Biết việc thì đã rõ, nhưng nói biết điều với một quốc gia thì không dễ. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu đó là quốc gia thân thiện, tôn trọng quốc gia khác, tuân thủ luật pháp quốc tế và coi trọng các tổ chức quốc tế. Luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm của quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã cố gắng cử người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc một cách hiệu quả. Những tuyên bố và đóng góp của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và xu thế phát triển chung là rất đáng ghi nhận. Là một nước đang có nhu cầu cao về năng lượng, nhưng chúng ta đã ủng hộ mạnh mẽ việc cắt giảm khí thải bằng tuyên bố sẽ cắt giảm tối đa khí thải vào những năm giữa của thế kỷ XXI. Việc cam kết đi đôi với hành động bằng ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đang được triển khai mạnh mẽ dưới con mắt của cộng đồng quốc tế là điểm dương trong nhận biết xu thế thời đại.

Xuân Quý Mão, niềm vui khắp thôn xóm đến thị thành vì thành công ngoạn mục của năm 2022. Trong niềm vui ấy, Đảng, Nhà nước cùng toàn dân nhất định sẽ vượt qua những khó khăn thách thức, tận dụng tốt cơ hội phát triển đưa đất nước vươn lên trong khát vọng trở thành nước phát triển trong thời gian tới. Niềm tin ấy có cơ sở thực tiễn từ cuộc sống hôm nay. Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng, mừng xuân với niềm tin phát triển bền vững, nhân dân ấm no, hạnh phúc, đất nước hùng cường./.

Tác giả: Chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,246
  • Hôm nay55,645
  • Tháng hiện tại11,931,253
  • Tổng lượt truy cập457,326,375
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây