Đồng chí Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Ðiều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, Tổng Yên Trường, Phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An), mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và đấu tranh cách mạng. Chu Văn Điều đã sớm tiếp thu truyền thống quê hương và giác ngộ cách mạng.
Năm 1929, Chu Văn Điều tham gia cuộc mít tinh lớn của xã; trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, được cử làm Đội phó Đội Tự vệ Đỏ; tháng 11/1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp tháng 6/1931, Chu Văn Điều bị địch bắt. Sau nhiều ngày tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ý chí quyết không “quy thuận” của Chu Văn Điều, địch buộc phải thả anh.
Năm 1933, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu; tháng 5/1935, đồng chí đổi tên thành Chu Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng”; năm 1936, là Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Từ năm 1937 - 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, đến năm 1940 bị đưa đi giam ở Ðắc Glei rồi Ðắc Tô, Kon Tum.
Năm 1943, đồng chí Chu Huy Mân vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng; tháng 9/1944, tham gia Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam; đầu tháng 8/1945, tham gia Ban Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh Quảng Nam. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; tháng 9/1945, đồng chí vào Quân đội và được phân công làm Chính trị viên Chi đội (Tỉnh đội).
Sau một thời gian ổn định tình hình, Xứ ủy Trung Kỳ điều động đồng chí Chu Huy Mân ra Huế giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban quân chính Khu C, gồm các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam. Từ cuối năm 1946 đến tháng 5/1951, đồng chí được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của Quân đội: Trưởng ban Kiểm tra Ðảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc; Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng (1947 - 1949), trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 72 tham gia Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, chỉ huy Trung đoàn 74 sang giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng (1948 - 1949), chỉ huy Trung đoàn 174 tham gia đánh trận then chốt Đông Khê trong Chiến dịch Biên Giới 1950 thắng lợi; Phó Chính ủy, Chính ủy Ðại đoàn 316, Bí thư Ðảng ủy Ðại đoàn 316 (tháng 5/1951), cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, từ Bắc Giang đến Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Từ năm 1954 - 1961, đồng chí Chu Huy Mân được giao đảm nhiệm các chức vụ: Ðoàn trưởng Bí thư Ðảng ủy Ðoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (tháng 8/1954 - 5/1957; tháng 8 - 12/1957 và 1959 - 1960); Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Quân khu 4 (năm 1957); Bí thư Khu ủy Tây Bắc, đồng thời là Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Quân khu Tây Bắc (năm 1958); Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Quân khu 4 (năm 1961).
Năm 1962, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Phơ-run-de (Liên Xô). Tháng 9/1963, đồng chí được Trung ương Ðảng điều vào chiến trường Quân khu 5 và giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Kiểm tra của Ðảng ủy Quân sự Trung ương nghiên cứu công việc của Quân khu 5; Phó Bí thư Khu ủy rồi Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5.
Tháng 8/1965, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Ðảng ủy Mặt trận B3 - Tây Nguyên. Năm 1967, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Khu ủy, Tư lệnh, Phó Chính ủy, Phó Bí thư Quân khu ủy Khu 5; cuối năm 1975 là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Khu 5.
Sau ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí tiếp tục giữ chức Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy, Chính uỷ Quân khu 5.
Tháng 3/1977 - 12/1986, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Ðảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Ðảng ủy Quân sự Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tháng 7/1981.
Năm 1958, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng; thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng năm 1974; Ðại tướng năm 1980. Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Ðảng.
Tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) và Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ V (năm 1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Ðồng chí là đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII.
Tháng 12/1986, đồng chí nghỉ công tác. Đồng chí Chu Huy Mân từ trần ngày 1/7/2006, hưởng thọ 93 tuổi.
Do công lao và thành tích hoạt động cách mạng, đồng chí được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Ðảng cùng nhiều huân, huy chương và phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước ta và các nước bạn./.
>>Những cống hiến to lớn, quan trọng của đồng chí Chu Huy Mân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc