Xây dựng bản đồ phân vùng thích hợp của cây điều với điều kiện lập địa tỉnh Bình Phước

Thứ sáu - 08/10/2021 15:43
(CTTĐTBP) - Cổng Thông tin điện tử Bình Phước giới thiệu bài viết của tác giả Trần Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước về xây dựng bản đồ phân vùng thích hợp của cây điều với điều kiện lập địa (ĐKLĐ) tỉnh Bình Phước.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Bình Phước là tỉnh có tiềm năng sản xuất nông lâm nghiệp với chất lượng lập địa khá tốt. Khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tiềm năng sản xuất lập địa để phát triển kinh tế - xã hội luôn là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Để thực hiện được nhiệm vụ này có cơ sở khoa học lâu dài, cần có những nghiên cứu cơ bản về lập địa, về cây trồng, đánh giá được mức độ phù hợp của cây trồng với lập địa và kết quả là xây dựng được bản đồ phân vùng thích hợp cho mỗi loài cây trồng với ĐKLĐ trên địa bàn tỉnh.

Bản đồ thích hợp này là cơ sở khoa học để xây dựng quy hoạch nông lâm nghiệp nói chung và quy hoạch những loài cây trồng chủ lực nói riêng. Cây điều đã chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh, nhưng năng suất điều bình quân thì chưa đạt mong muốn của tỉnh. Để giải quyết được cơ bản vấn đề, ngoài những giải pháp về cải thiện giống và thâm canh còn có giải pháp tối ưu hóa quy hoạch vùng trồng điều trên cơ sở khai thác đúng mức và bền vững tiềm năng sản xuất của lập địa.

Bên cạnh đó, Bình Phước cũng là địa phương quyết liệt chuyển đổi số với mục tiêu hướng tới là hoàn chỉnh những cơ sở dữ liệu dùng chung, phát triển trí tuệ nhân tạo, phục vụ xã hội trong môi trường mạng không dây. Với mong muốn góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên, nghiên cứu này đã xây dựng bản đồ phân vùng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ tỉnh Bình Phước bằng công nghệ hệ thống thông tin địa lý và công nghệ lập trình với độ phân lập đến mỗi ha đất ở ngoài thực địa.

II. ĐỐI TƯỢNG, MỤC TIÊU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Đối tượng, mục tiêu nghiên cứu


Đối tượng điều tra khảo sát của nghiên cứu này là cây điều và ĐKLĐ tỉnh Bình Phước.

Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định ngưỡng phân cấp khả năng thích hợp; xây dựng được bản đồ phân vùng khả năng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ tỉnh Bình Phước với độ chính xác đến mỗi ha đất.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp luận: Chỉ số sinh trưởng của cây trồng được xác định trên cơ sở thiết lập tỷ số giữa giá trị điều tra thực tế với giá trị tính toán từ phương trình hồi quy phản ánh mối quan hệ giữa sinh trưởng với tuổi và ảnh hưởng của những yếu tố cấu thành ĐKLĐ. Những điểm có chất lượng lập địa tốt, phù hợp với cây trồng thì cây sinh trưởng tốt và chỉ số sinh trưởng lớn, những nơi có chất lượng lập địa kém thì cây sinh trưởng kém và chỉ số sinh trưởng nhỏ. Dựa vào chỉ số sinh trưởng trưởng này để phân cấp và đánh giá khả năng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ.
      
Kế thừa tài liệu: Kế thừa lưới cơ sở dữ liệu ĐKLĐ đã được trình bày ở những nghiên cứu trước (Trần Quốc Hoàn và Phùng Văn Khoa, 2013). Lưới ĐKLĐ là hệ thống lưới ô vuông có cạnh 100m, phủ đầy ranh giới tỉnh Bình Phước, mỗi ô vuông được gắn thuộc tính là những giá trị về đặc điểm lập địa.

Phương pháp xử lý nội nghiệp: Từ lưới cơ sở dữ liệu được xây dựng bằng Mapinfo thì tiến hành thiết lập các chương trình ứng dụng trong môi trường MVF9 để phân cấp, đánh giá khả năng thích hợp của cây điều đến từng điểm lập địa. Kết quả đầu ra được sử dụng để xây dựng bản đồ phân vùng khả năng thích hợp.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Tiêu chí, chỉ tiêu đánh giá thích hợp lập địa


Mỗi một ô vuông (một điểm lập địa) trên lưới dữ liệu về ĐKLĐ đã có giá trị của những yếu tố lập địa, cũng chính là giá trị của các biến độc lập trong các hàm hồi quy nhiều nhân tố giữa chỉ số sinh trưởng chiều cao vút ngọn (Ihvn) với các yếu tố lập địa. Dựa vào giá trị biến độc lập tại mỗi điểm lập địa và phương trình hồi đã xác lập sẽ có được giá trị chỉ số sinh trưởng chiều cao cho mỗi điểm lập địa trên toàn lưới lập địa (trên toàn tỉnh). Giá trị Ihvn trên lưới lập địa là một chuỗi số liệu liên tục, biến động trong một phạm vi nhất định và có giá trị trung bình gần xấp với 1.

Dựa vào chỉ số sinh trưởng chiều cao Ihvn này để làm tiêu chí đánh giá khả năng thích hợp của cây điều. Ngưỡng phân cấp chỉ số Ihvn được xác định theo những nguyên tắc:

(1) Số ngưỡng phân cấp không quá nhiều để thuận lợi cho công tác quản lý lập địa và tạo ra vùng sản xuất tập trung, đồng thời có sự phù hợp chung với những phương pháp đánh giá, phân hạng đất lâm nghiệp khác.

(2) Mỗi ngưỡng phân cấp phải phản ánh được một mức độ sinh trưởng của cây điều.

(3) Phù hợp với những thông số thống kê đặc trưng đối với chỉ số, trong đó: Lấy giá trị trung bình và độ lệch chuẩn làm căn cứ xác định mức trung bình; dựa vào giá trị lớn nhất, nhỏ nhất, khoảng biến động và độ lệch chuẩn để xác định 4 cấp còn lại.

Từ giá trị chỉ số sinh trưởng Ihvn đã xác định được tại mỗi điểm lập địa và những nguyên tắc nêu trên, nghiên cứu này đã xác định được ngưỡng phân cấp chỉ số Ihvn của cây điều như sau:

- Cấp 1: Rất thích hợp có Ihvn> 1,15.
- Cấp 2: Khá thích hợp có Ihvn> 1,05 và Ihvn ≤ 1,15.
- Cấp 3: Thích hợp vừa có Ihvn> 0,81 và Ihvn ≤ 1,05.
- Cấp 4: Thích hợp thấp có Ihvn > 0,50 và Ihvn ≤ 0,81.
- Cấp 5: Không thích hợp có Ihvn ≤ 0,50.

3.2. Bản đồ phân vùng lập địa theo khả năng thích hợp

Từ lưới dữ liệu cơ sở ĐKLĐ đã xác định chỉ số Ihvn cho mỗi loài cây tại mỗi điểm lập địa; tiến hành phân cấp khả năng thích hợp tại mỗi điểm lập địa theo ngưỡng phân cấp ở mục
3.1 đã xây dựng bản đồ phân vùng khả năng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ trong Microsoft Visual Foxpro 9 và Mapinfo như hình bên (Hình 01).

Phân tích bản đồ này có kết quả như ở Bảng 02 và 03, cho thấy:

(1) Diện tích các dạng lập địa trên địa bàn tỉnh được phân thành 5 cấp thích hợp với cây Dầu rái từ cấp 1 đến cấp 5, trong đó: Diện tích cấp 1 chiếm 2,45% diện tích tự nhiên (DTTN), diện tích cấp 2 chiếm 23,76% DTTN, diện tích cấp 3 chiếm 48,64% DTTN, diện tích cấp 4 chiếm 18,34% DTTN và diện tích cấp 5 chiếm 6,81% DTTN.

(2) Trên 174.298,02ha đất lâm nghiệp thì: 

- Cấp 1 có 7 dạng lập địa (DLĐ) với tổng diện tích 4.231,48ha, trong đó: 71,42% số DLĐ có R > 2000 mm; 100% số DLĐ có H ≤ 300m, 85,75% số DLĐ có S ≤ 8o; 100% số DLĐ có D > 100cm; 87,71 % số DLĐ với đất có độ phì cao.

- Cấp 2: Có 41 dạng lập địa với tổng diện tích 41.089,86 ha, trong đó: 75,60% số DLĐ có R > 2000 mm; 85,36% số DLĐ có H ≤ 300 m; 85,36% số DLĐ có D > 100 cm, 43,90% số DLĐ có S ≤  8o; 60,97% số DLĐ với đất có độ phì cao.

- Cấp 3: Có 51 dạng lập địa với tổng diện tích 84.113,57ha, trong đó: 82,35% số DLĐ có R > 2000 mm; 66,67% số DLĐ có H ≤ 300 m; 41,17% số DLĐ có S ≤  8o; 62,74 % số DLĐ có D > 100 cm; 52,94% số DLĐ với đất có độ phì cao.

- Cấp 4 có 43 dạng lập địa với tổng diện tích 31.722,30 ha, trong đó: 95,34% số DLĐ có R > 2000 mm; 58,13% số DLĐ có H ≤ 300 m; 32,55% số DLĐ có S > 15o; 53,48 % số DLĐ có D > 100 cm; 13,95% số DLĐ với đất có độ phì cao.

- Cấp 5 có 39 dạng lập địa với tổng diện tích 11.773,34ha, trong đó: 76,92 % số DLĐ có R > 2500 mm; 53,48% số DLĐ có H > 300 m; 48,71% số DLĐ có S > 15o; 56,41% số DLĐ có D ≤ 100 cm.

- Trên diện tích đất lâm nghiệp có 26,21% DTLN là khá thích hợp và rất thích hợp, 48,64% thích hợp vừa, 18,34% diện tích ít thích hợp và 6,81% diện tích không thích hợp.

Bảng 02: Diện tích và tỷ lệ các cấp thích hợp với lập địa:
Bang 02
(Trong đó: Cấp 1: rất thích hợp, cấp 2: khá thích hợp, cấp 3: thích hợp vừa, cấp 4: thích hợp thấp, cấp 5: không thích hợp theo bộ tiêu chí đánh giá khả năng thích hợp của cây điều)
             
Bảng 03: Khả năng thích hợp của cây Điều với ĐKLĐ lâm nghiệp tại các huyện:
Bang 03
- Tỷ lệ diện tích các cấp thích hợp với rừng điều phân bố không đều ở các huyện. Ở cấp 1, trong khi huyện Hớn Quản có 2.878,62ha, thì huyện Bù Đăng và thị xã Phước Long lại không có. Cấp 2, huyện Lộc Ninh có 21.652,11ha, còn thị xã Phước Long chỉ có 90 ha. Cấp 3, huyện Bù Đăng có 37.924,47ha, thì thị xã Phước Long chỉ có 5ha. Cấp 4, huyện Bù Gia Mập có 11.477,29ha, thì huyện Hớn Quản lại không có.

4. KẾT LUẬN

Chỉ số sinh trưởng Ihvn có thể được chọn để làm tiêu chí đánh giá khả năng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ, tiêu chí này được phân thành 5 cấp, trong đó: Cấp 1 là rất thích hợp có Ihvn> 1.15; cấp 2 là khá thích hợp có Ihvn> 1.05 và Ihvn ≤ 1.15; cấp 3 là thích hợp vừa có Ihvn> 0.81 và Ihvn ≤ 1.05; cấp là thích hợp thấp có Ihvn > 0.50 và Ihvn ≤ 0.81; cấp 5: Không thích hợp có Ihvn ≤ 0.50.

Bản đồ phần vùng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ tỉnh Bình Phước được xây dựng dựa bằng Mapinfo và Microsoft Visual Foxpro 9 với độ chính xác đến mỗi điểm lập địa (tương đương 1ha).

Bản đồ phần vùng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ tỉnh Bình Phước là cơ sở dữ liệu khá lớn, có độ chi tiết cao, có khả năng tương thích với nhiều công nghệ kỹ thuật số. Đặc biệt, là làm cơ sở dữ liệu để phát triển những phần mềm có tính tự động hóa cao.

Khả năng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ tỉnh Bình Phước: Có 4.231,48ha cấp 1; 41.089,86ha cấp 2; 84.113,57ha cấp 3; 31.722,30ha cấp 4 và 11.773,34ha cấp 5.

5. KHUYẾN NGHỊ

Ứng dụng kết quả phân vùng thích hợp của nghiên cứu này để phục vụ cho công tác quy hoạch sử dụng đất, nghiên cứu quy trình thâm canh và chọn lọc giống đở Bình Phước.

Bản đồ phân vùng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ tỉnh Bình Phước cần được tích hợp vào cơ sở dữ liệu thông tin địa lý (GIS) thuộc Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh.

Lấy bản đồ phân vùng thích hợp của cây điều với ĐKLĐ tỉnh Bình Phước làm cơ sở dữ liệu để phát triển những phần mềm quản lý, sản xuất ngành điều với tính tự động hóa cao./.

Tác giả: Trần Quốc Hoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,743
  • Hôm nay238,285
  • Tháng hiện tại1,587,413
  • Tổng lượt truy cập446,982,535
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây