Thúc đẩy lộ trình kinh tế số

Chủ nhật - 12/02/2023 10:06

(CTTĐTBP) - Trước xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, Bình Phước đã và đang có những bước đi cụ thể trên con đường chuyển đổi số. Theo đó, tỉnh hướng tới một nền kinh tế mạnh, phát triển nhanh, nền hành chính công đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp (DN); tập trung phát triển các mô hình kinh tế số, đẩy mạnh các tiện ích về thanh toán, tiêu dùng trên các nền tảng số đến người dân nhằm thúc đẩy lộ trình xây dựng nền kinh tế số.

Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam thời gian gần đây có sự phát triển vượt bậc, nhảy vọt với tốc độ tăng trưởng đạt 26% vào cuối năm 2022. Các giao dịch TMĐT được thực hiện thông qua sàn TMĐT, mạng xã hội và các website bán hàng trực tiếp của DN, người kinh doanh. Bình Phước là tỉnh có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế số, nhất là hoạt động TMĐT, giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… 

Cú hích doanh nghiệp số

Trong bối cảnh hội nhập các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là sau những tác động của đại dịch Covid-19, các DN trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi số, triển khai thêm các sản phẩm, dịch vụ, tiện ích trên các nền tảng số phục vụ người dân trong tình hình mới. Trong đó, hợp đồng điện tử (HĐĐT) đang dần trở thành phương thức được nhiều DN quan tâm lựa chọn thay thế các loại hợp đồng truyền thống bởi khả năng tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, dễ dàng trao đổi dữ liệu và chia sẻ thông tin.

Anh Hồ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty TNHH Sunshine Logistics Bình Phước (phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài) chia sẻ: “Công ty chuyên giao nhận vận chuyển quốc tế, logistic và thương mại, sử dụng HĐĐT, tôi thấy rất thuận tiện vì hiện nay hành lang pháp lý cho việc ký kết điện tử đa lĩnh vực đang ngày càng hoàn thiện. Hơn nữa, với HĐĐT, DN có thể tiếp cận, giao dịch và trao đổi thông tin với nhiều đối tác trong cùng một thời gian, đặc biệt là các giao dịch xuyên biên giới”.

Doanh nghiệp khuyến khích người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Bình Phước sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong hoạt động thương mại, dịch vụ. Trong ảnh: Người dân thanh toán online khi mua hàng tại phiên chợ không dùng tiền mặt thành phố Đồng Xoài năm 2022

HĐĐT được ưa chuộng bởi những lợi ích nổi bật. Đó là tiết kiệm phần lớn chi phí, tối ưu lợi nhuận; tiết kiệm thời gian và công sức cho người lao động; thuận tiện, rõ ràng và minh bạch; dễ dàng tìm kiếm và lưu trữ an toàn; thúc đẩy sự phát triển giao thương cả trong nước và quốc tế; phá bỏ các rào cản liên quan tới địa lý, dịch bệnh, thời tiết… So với hợp đồng truyền thống, DN thường phải mất từ 3-5 ngày và bỏ ra chi phí in, lưu trữ, vận chuyển, nhân sự… để hoàn thành một bộ hợp đồng. Trong khi với HĐĐT, chỉ mất vài phút cho việc trình ký và ký kết với đối tác. Bên cạnh đó, tính năng ký đồng loạt nhiều hợp đồng cũng giúp DN thúc đẩy nhanh quá trình ký kết, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Với việc cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh đang phát triển ngày một lớn mạnh, xu thế sử dụng HĐĐT ngày một tăng, Bình Phước cũng là địa phương chuyển đổi số mạnh mẽ trong top đầu cả nước, các DN viễn thông đang tận dụng lợi thế này để phát triển khách hàng. “VNPT Bình Phước cũng đã triển khai ký HĐĐT đối với khách hàng sử dụng dịch vụ như: Di động, FiberVNN, MyTV. Các dịch vụ công nghệ thông tin như: CA, SmartCA, hóa đơn điện tử… Sử dụng HĐĐT thay thế hoàn toàn hợp đồng truyền thống chính là bước đệm để các DN bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu” - ông Diệp Đình Mẫu, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Phước tổng kết.

Với xu thế sử dụng hợp đồng điện tử ngày một tăng, VNPT Bình Phước đang tận dụng lợi thế này để phát triển khách hàng, thúc đẩy doanh nghiệp số

Theo Bộ Công Thương, hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực HĐĐT tại Việt Nam đã được hoàn thiện, sẽ đóng vai trò là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, ứng dụng HĐĐT, đặc biệt đối với hoạt động giao kết, ký kết HĐĐT trong nước, sau đó là với nước ngoài, xuyên biên giới. Áp dụng HĐĐT không chỉ là công cụ thúc đẩy DN chuyển đổi số mà còn góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

So với các hợp đồng truyền thống, hiện nay khi giao dịch bằng HĐĐT, các DN không chỉ bảo mật được thông tin mà còn hạn chế tối đa những rủi ro, tránh rách hỏng, thất lạc hay hỏa hoạn cháy nổ do sự cố, cùng với đó là tra cứu thông tin hợp đồng dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Ông DIỆP ĐÌNH MẪU
Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Phước

Bước tiến trong thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến ở nhiều lĩnh vực. Từ khoản tiền lớn, nhỏ đều được thanh toán trong tích tắc, nhanh chóng và tiện lợi. Qua thí điểm mô hình “Chợ 4.0”; tuyến phố không dùng tiền mặt; phiên chợ không tiền mặt; thanh toán trực tuyến, thanh toán bằng mã QR tại các cửa hàng, tuyến đường; thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ hành chính công có thu phí, lệ phí… tỉnh mong muốn thay đổi thói quen của người dân, DN, chuyển dần việc thanh toán tiền mặt sang không tiền mặt để hướng đến xã hội số, nền kinh tế số trong tương lai.

Các ngân hàng là đầu mối tiên phong lĩnh vực này khi đồng loạt triển khai nhiều hoạt động khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ ngân hàng số như: mở thẻ, ví điện tử; phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử trong hoạt động thương mại, dịch vụ để khách hàng có thể đa dạng hóa các kênh giao dịch thanh toán trực tuyến.

Công ty TNHH Tuấn Giang, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử giúp tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh

Bà Ngô Thị Trà Giang, Phó Giám đốc khách hàng cá nhân, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) chi nhánh Bình Phước cho biết: Hiện nay, các ứng dụng Mobile Banking, ví điện tử không đơn thuần chỉ để chuyển tiền, vấn tin tài khoản mà người dân còn có thể sử dụng đa dạng các tiện ích như: thanh toán hóa đơn, TMĐT, đặt tour du lịch… Ngược lại, người dân cũng có thể sử dụng gián tiếp các dịch vụ ngân hàng thông qua đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ khác như mua trả góp, mua trước - trả sau… các ứng dụng ngân hàng số triển khai với thao tác đơn giản, thuận tiện, giúp nhiều đối tượng người dùng như công nhân, người lao động vốn chưa quen với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán trực tuyến nhiều hơn.

Thường xuyên thanh toán bằng các hình thức quét mã QR, ví điện tử… 2 năm nay, anh Võ Đăng Khoa ở phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài cho biết rất hài lòng khi không cần mang nhiều tiền mặt, đảm bảo an toàn bảo mật tài khoản. “Cùng với các dịch vụ thương mại, thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực dịch vụ công của tỉnh có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ. Tỉnh đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ nộp thuế, thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí ở các trung tâm hành chính công… Giờ có nhiều phương thức thanh toán như thế này thuận tiện quá!” - anh Khoa chia sẻ.

Bình Phước đang triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, thực hiện đồng thời với quá trình chuyển đổi số toàn diện. Mục tiêu của tỉnh đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 50%. Đi chợ 4.0, mua sắm các dịch vụ trực tuyến, thanh toán điện, nước, viện phí, học phí, dịch vụ công không dùng tiền mặt… là những hoạt động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này trong tương lai./.

Tác giả: Theo Đài PT-TH&Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,680
  • Hôm nay843,653
  • Tháng hiện tại843,653
  • Tổng lượt truy cập460,736,340
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây