“Chuyển đổi xanh” vì sự phát triển bền vững

Thứ ba - 02/01/2024 07:38

(CTTĐTBP) - Cùng với nhiều lĩnh vực khác, 2023 là năm không ít khó khăn, thách thức đối với ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) Bình Phước. Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể cán bộ, công chức, viên chức xây dựng đội ngũ có trách nhiệm, tận tâm với công việc, cùng với đó là huy động cả xã hội vào cuộc trong tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi cấu trúc nền kinh tế, hoạt động của ngành TN&MT đã đạt những kết quả rất đáng ghi nhận.

Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành

Chia sẻ về những điểm nhấn nổi bật của ngành TN&MT năm 2023, Giám đốc Sở TN&MT Trần Văn Hướng cho biết, đơn vị đã cùng các sở, ngành của tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh hoàn thành quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là tiền đề rất quan trọng để tỉnh triển khai các nhiệm vụ cả giai đoạn. Kế tiếp là đưa vào sử dụng phần mềm ngành TN&MT, đặc biệt cơ sở dữ liệu đất đai trong thời gian qua.

Phần mềm TN&MT đưa vào vận hành sẽ giảm gần 50% thời gian cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến đất đai do các khâu xử lý đều trên môi trường điện tử, từ tiếp nhận đến thực hiện nghĩa vụ thuế; tra cứu thông tin quy hoạch, giá đất…; giảm thời gian đi lại, minh bạch thông tin, hạn chế tiếp xúc cán bộ giải quyết hồ sơ nhằm giảm xảy ra tiêu cực. Việc triển khai phần mềm TN&MT tỉnh Bình Phước góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 312 của UBND tỉnh về công tác chuyển đổi số. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, ngành TN&MT tỉnh sẽ số hóa và khai thác 100% dữ liệu trên môi trường số, góp phần vào công cuộc xây dựng chính quyền số.

khai truong phan mem tai nguyen moi truong tinh binh phuoc 20500301012024
Khai trương phần mềm tài nguyên và môi trường tỉnh Bình Phước

Công tác chuyển đổi số lĩnh vực TN&MT được quan tâm, đẩy mạnh. Sở đã tham mưu UBND tỉnh cắt giảm thời gian giải quyết TTHC 74 ngày so với quy định, đề xuất giảm 20% phí, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...

Sở đã thành lập các tổ kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế cũng như chấn chỉnh công tác giải quyết TTHC, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, nâng cao công tác tiếp nhận và trả kết quả, nhất là tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn của người dân và doanh nghiệp đã được nâng cao hơn những năm trước, hạn chế thấp nhất hồ sơ trễ hạn. Năm 2023 đã tiếp nhận 256.791 hồ sơ liên quan đến TTHC lĩnh vực đất đai, trong đó giải quyết đúng hạn đạt 99,5%; một số ít hồ sơ trễ hạn chủ yếu do các yếu tố phức tạp, cần có sự hỗ trợ giải quyết của nhiều ngành, cấp.

Đến nay, tỷ lệ diện tích đã cấp GCNQSDĐ đối với quỹ đất nông nghiệp tách ra khỏi lâm phần sau khi quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh đạt 80,22% tổng diện tích cần cấp; tỷ lệ cấp GCNQSDĐ trên địa bàn tỉnh đạt 97,8% tổng diện tích cần cấp.

Công tác thanh, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học… được quan tâm, chú trọng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ngay từ đầu năm 2023, tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc đã xây dựng chương trình, kế hoạch và ban hành nghị quyết, cụ thể hóa các giải pháp để triển khai theo tháng, quý, năm và hằng tháng, quý đều xem xét, đánh giá những mặt làm được, xác định nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Từ đó đề ra giải pháp thực hiện đảm bảo tiến độ.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh TRẦN VĂN HƯỚNG

 

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành TN&MT tỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận tồn tại, hạn chế cần khắc phục thời gian tới. Đó là công tác cải cách TTHC cho người dân, doanh nghiệp dù đã cố gắng, tiến bộ rất nhiều, song vẫn chưa đảm bảo tiến độ. Lĩnh vực môi trường dù đã lắp đặt trạm quan trắc tự động ở các khu công nghiệp, khu kinh tế, tuy nhiên vẫn còn doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi phát sinh mùi hôi, khí thải chưa đạt chuẩn theo quy định. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản dù được tập trung chú trọng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần nhìn nhận, đánh giá và tìm giải pháp khắc phục.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, người đứng đầu ngành TN&MT tỉnh Bình Phước cho biết: Đối với lĩnh vực đất đai, ngành đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi bộ TTHC mới thay thế bộ thủ tục trước đây với thời gian giảm khoảng 74 ngày. Chỉ đạo tăng cường giám sát quy trình giải quyết TTHC cho người dân, đặc biệt một số dự án, khu đất kéo dài nhiều năm như các khu đất ở thị xã Phước Long, huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng… Đơn vị đang phối với các sở, ngành kiến nghị bộ, ngành Trung ương tập trung tháo gỡ, đặc biệt là đang báo cáo xin ý kiến Bộ TN&MT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giải quyết.

nhan vien trung tam quan trac tai nguyen va moi truong van hanh he thong quan trac nuoc mat dia ban huyen dong phu 20500801012024
Nhân viên Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường vận hành hệ thống quan trắc nước mặt trên địa bàn huyện Đồng Phú

Về lĩnh vực môi trường, sở yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện giấy phép môi trường; đồng thời tăng cường giám sát chặt chẽ mùi hôi đối với các cơ sở chăn nuôi, nghiên cứu đưa các chế phẩm để khử mùi hôi; bên cạnh đó, giám sát tự động đối với nhà máy có khí thải, nước thải các khu công nghiệp. Tiếp tục hoàn thành cơ sở dữ liệu để phục vụ tốt công tác chuyển đổi số về đất đai, góp phần vào thành công chuyển đổi số của tỉnh.

Hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ và du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hơn 90%; khu vực nông thôn đạt 65%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn công nghiệp của tỉnh đạt 95%, chất thải nguy hại đạt 99%. Ngoại trừ thành phố Đồng Xoài đã xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (công suất 100 tấn/ngày) và huyện Bù Đăng có bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh; các huyện, thị xã còn lại đều chưa đầu tư xây dựng nhà máy xử lý, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh. Công nghệ xử lý tại các bãi rác chủ yếu là đốt để giảm khối lượng, sau đó đem chôn lấp. Sở TN&MT đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị liên quan tổ chức khảo sát vị trí dự kiến đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 21-10-2022 của UBND tỉnh về phát triển các nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Hiện thành phố Đồng Xoài đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung công suất 10.000m3/ngày và khu trung tâm hành chính, đô thị mới thị xã Phước Long đã xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải có tổng công suất 1.050m3/ngày. Các huyện, thị xã còn lại chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, nước thải chủ yếu được người dân xử lý qua bể tự hoại rồi cho thấm trực tiếp vào đất hoặc thải ra hệ thống thoát nước chung. Trong khi nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế do phải cân đối vốn cho nhiều lĩnh vực khác nhau. Bởi vậy, Sở TN&MT kiến nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, hệ thống xử lý nước thải đô thị tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước./.
 

Tác giả: Theo Đài PT-TH và Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay221,740
  • Tháng hiện tại5,456,886
  • Tổng lượt truy cập489,320,324
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây