Di tích Địa điểm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng (Phú Riềng Đỏ) thuộc xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Bảo Tàng tỉnh Bình Phước
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền “
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Phú Riềng” bằng hình tuyên truyền miệng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian tuyên truyền: từ nay đến hết ngày 15/11/2019.
Chi bộ Phú Riềng Đỏ là chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Phước và đồng thời là chi bộ đầu tiên của ngành cao su Việt Nam. Chi bộ được thành lập là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp của công nhân ở đồn điền Phú Riềng trong những năm đầu thế kỷ XX; là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của một tập thể chiến sĩ cách mạng, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Xuân Cừ, dưới sự chỉ đạo của Đông Dương Cộng sản Đảng ở Nam Kỳ. Sự kiện này có ý nghĩa quyết định phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Bình Phước lúc bấy giờ.
Chi bộ Phú Riềng Đỏ đã lãnh đạo thành công cuộc đấu tranh của công nhân cao su. Đây là bước ngoặt trọng đại trong lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam. Chính vì ý nghĩa đó, ngày thành lập Chi bộ Phú Riềng Đỏ (28/10) đã được xem là ngày truyền thống của ngành cao su Việt Nam.
Sự kiện thành lập Chi bộ Phú Riềng Đỏ mãi mãi là mốc son lịch sử trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam. Tinh thần “Phú Riềng Đỏ” mãi được hun đúc, là truyền thống, là niềm tự hào của ngành cao su, của Đảng bộ, quân và dân tỉnh Bình Phước anh hùng.
Từ chiếc nôi “Phú Riềng Đỏ” đã ươm mầm, giáo dục và rèn luyện nên nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cán bộ, đảng viên và công nhân cao su Bình Phước, đào tạo cho Đảng nhiều cán bộ kiên trung, tài giỏi, đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trong sự phát triển của tỉnh Bình Phước trong suốt 90 năm qua, có sự đóng góp không nhỏ của ngành cao su của tỉnh. Trải qua hơn một thế kỷ, kể từ khi cây cao su được trồng trên địa bàn tỉnh, ngành cao su đã phát triển rất mạnh, cây cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của địa phương. Bình Phước đứng đầu cả nước về diện tích cây cao su với gần 240 nghìn ha, trong đó có khoảng hơn 70 nghìn ha của các doanh nghiệp nhà nước.
Tỉnh có bốn công ty cao su thuộc Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng; Công ty TNHH MTV cao su Bình Long; Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh; Công ty cổ phần cao su Đồng Phú) và hai công ty thuộc tỉnh quản lý (Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước và Công ty cổ phần cao su Sông Bé). Các doanh nghiệp cao su nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn người lao động. Toàn ngành cao su Bình Phước có trên 3.100 đảng viên. Thu nhập bình quân đầu người từ 5,5 - 9 triệu đồng/tháng. Ngành cao su luôn đóng góp khoảng 10% nguồn thu ngân sách cho tỉnh.
Ngành cao su Bình Phước có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế, cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại./.