Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thứ ba - 06/02/2024 15:23

(CTTĐTBP) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 06/02/2024 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch nhằm xây dựng lộ trình, kế hoạch triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh giai đoạn đến năm 2025 để cụ thể hóa nội dung quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch tài nguyên nước). Đồng thời, cụ thể hóa các nhiệm vụ, chính sách, giải pháp và huy động nguồn lực gắn với trách nhiệm của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của Quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt hướng tới quản trị ngành nước trên nền tảng Công nghệ số; đảm bảo sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước.
 
Kế hoạch thực hiện quy hoạch Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030 bao gồm các nội dung chính như sau: Lập, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; lập, rà soát các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành có khai thác, sử dụng nước; rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng thể chế, chính sách; xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước và giám sát tài nguyên nước quốc gia; điều hòa, phân phối, phát triển tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước; chương trình an toàn đập, hồ chứa nước; khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực.
 
Quyết định nêu rõ, để triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương theo phân công cần khẩn trương hoàn thành các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông chưa được ban hành; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông sau khi được ban hành.
 
Lập, rà soát các quy hoạch thủy lợi lưu vực sông liên tỉnh, quy hoạch thủy lợi của hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ 02 tỉnh trở lên, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều đã được ban hành để phù hợp với các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã được phê duyệt và đồng bộ với các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Lập, rà soát các quy hoạch cấp, thoát nước đô thị đã được ban hành để phù hợp với các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông đã được phê duyệt và đồng bộ với các quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
 
Đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng thể chế, chính sách về tài nguyên nước trong Luật tài nguyên nước (sửa đổi) và pháp luật có liên quan, bao gồm những nội dung chính: Xây dựng cơ chế chính sách về điều hòa, phân phối nguồn nước thông qua hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định trên cơ sở quản lý vận hành các hệ thống công trình khai thác, sử dụng nước; rà soát, bổ sung chính sách về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo hướng tính đúng, tính đủ giá trị của tài nguyên nước; xây dựng Nghị định và Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); rà soát, xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung các Thông tư, Định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước; kiện toàn các tổ chức lưu vực sông; rà soát, hoàn thiện quy định, chính sách, nâng cao chất lượng cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn, tài nguyên nước; rà soát, bổ sung chính sách về dịch vụ môi trường rừng, bảo vệ, phát triển rừng, nguồn sinh thủy;…
 
Rà soát, bổ sung chính sách về thuế, phí liên quan đến tài nguyên nước; xây dựng cơ chế chính sách chia sẻ, phân bổ nguồn thu từ khai thác sử dụng tài nguyên nước, dịch vụ môi trường rừng cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, nguồn sinh thủy, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra; chính sách phân bổ nguồn thu từ khai thác, sử dụng tài nguyên nước giữa các địa phương thương, hạ nguồn.
 
Đầu tư, xây dựng, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Nâng cấp hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước và tích hợp vào hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát việc phối hợp vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa của các hồ chứa lớn, quan trọng trên 11 lưu vực sông theo thời gian thực, bao gồm các lưu vực sông: Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai. Xây dựng chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên nước.
 
Cùng với đó, xây dựng, duy trì vận hành hệ thống thông tin, mô hình toán để hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang-Kỳ Cùng, Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long theo thời gian thực. Rà soát, điều chỉnh 11 quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông hướng tới điều tiết, vận hành theo thời gian thực. Nghiên cứu, nâng cao hiệu quả việc điều tiết để tăng khả năng tích trữ nước của các hồ chứa thủy lợi; nghiên cứu các giải pháp trữ lũ, giữ nước ngọt, tích trữ nước nhằm khắc phục tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Thực hiện điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo, vùng khan hiếm nước, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; xây dựng giải pháp chủ động nguồn nước cho các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các hải đảo.
 
Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý, khai thác, vận hành công trình thủy lợi, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước. Lập, rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi và công trình thủy lợi khác. Thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát trong các hệ thống cấp nước đô thị và nông thôn. Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước trên các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi phù hợp chức năng nguồn nước, mục tiêu chất lượng nước và dòng chảy tối thiểu. Bảo vệ nguồn nước có chức năng cấp nước sinh hoạt. Phục hồi các dòng sông, các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm. Phục hồi, bảo vệ các khu vực, tầng chứa nước dưới đất bị suy giảm mực nước, ô nhiễm, nhiễm mặn; hoàn thành việc phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khoanh vùng các khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất. Phân vùng mức độ khan hiếm nước, dự báo, cảnh báo mức độ thiếu nước, ô nhiễm, suy thoái nguồn nước phục vụ điều hòa phân phối nguồn nước và xây dựng bộ chỉ số an ninh nguồn nước. Triển khai thực hiện các Chương trình, dự án nhằm tăng cường năng lực thoát nước, chống ngập và xử lý nước thải đô thị./.

Tác giả: Thanh Tuyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập3,862
  • Hôm nay633,654
  • Tháng hiện tại18,455,990
  • Tổng lượt truy cập478,348,677
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây