(CTTĐTBP) - Ngày 05/02/2024, UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự (ANTT).
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm hiệu quả Nghị định số 96/2016/TSTĐ- CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 về quản lý và sử dụng con dấu; Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo và Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND ngày 17/01/2018 của UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Công an tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ANTT đối với các cơ sở hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT; thực hiện việc cấp, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điêu kiện về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh theo đúng thẩm quyền; tổ chức kiểm tra, hậu kiểm đối với các cơ sở kinh doanh đă được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đối với các cơ sở hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT để kịp thời chấn chỉnh; đề xuất, kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền tạm dừng hoạt động, rút giấy phép kinh doanh đối với cơ sở vi phạm nghiêm trọng, cơ sở tái phạm nhiều lần, cơ sở không đảm bảo điều kiện về ANTT theo đúng quy định.
Tổng hợp, thống kê, lập danh sách cụ thể từng doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh có điều kiện về ANTT hoạt động biến tướng; kinh doanh ngành, nghề không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP nhưng hoạt động biến tướng và tính chất hoạt động giống như kinh doanh có điều kiện về ANTT; ngành, nghề chưa có trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm ẩn phức tạp liên quan đến ANTT. Trên cơ sở đó thông báo đến các sở, ngành có liên quan, UBND các địa phương để phối hợp quản lý và chỉ đạo lực lượng Công an các cấp có biện pháp quản lý chặt chẽ, phòng ngừa vi phạm. Chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trong công tác quán lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, tạo hành lang pháp lý để triển khai, tổ chức, thực hiện, trong đó đánh giá, kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT các ngành, nghề không còn phù hợp và bổ sung một số ngành, nghề chưa có trong danh mục quản lý đang có nhiều tiềm ẩn phức tạp về ANTT, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp Công an tỉnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT theo thẩm quyền như: dịch vụ in, phát hành, xuất bản phẩm, kinh doanh các thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm. Chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký chứng thư số, chữ ký số, chứng thực điện tử đối với các tài liệu cũng như các tiện ích khi thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; phối hợp Công an tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tăng cường công tác tuyên truyền quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hoạt động ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT, các tiện ích khi thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công; trực tuyến, thay đổi khai báo lưu trú từ thủ công sang khai báo qua ứng dụng định danh điện tử (VNelD), qua hệ thống phần mềm quản lý lưu trú (ASM) để cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh và người dân nắm, thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể, UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành có liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT để các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết thực hiện, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong quản lý nhà nước, xử lý nghiêm, minh bạch các vi phạm. Tổ chức rà soát, thống kê, lập danh sách cụ thể từng doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân kinh doanh gửi về các sở chuyên ngành trước ngày 29/02/2024 để tổng hợp. Cụ thể: (1) Một số ngành, nghề đã được quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP như kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; cầm đồ; xoa bóp nhưng biến tướng hoạt động vi phạm pháp luật; (2) Một số ngành, nghề không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT theo Nghị định số 96/2016/NĐ-CP nhưng hoạt động biến tướng và tính chất hoạt động giống như kinh doanh có điều kiện về ANTT; (3) Một số ngành, nghề chưa có trong danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang có nhiều tiềm ẩn phức tạp liên quan đến ANTT như dịch vụ cho vay tài chính; kinh doanh quán bar, pub, club; kinh doanh trò chơi điện tử máy bắn cá; câu lạc bộ poker...
Đồng thời, chỉ đạo các ngành cung cấp kịp thời tin tức, tình hình ANTT, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an ở địa phương thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của các cơ sở hoạt động ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự trên địa bàn quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác./.