Theo đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá lúa tươi IR 504 tiếp tục tăng 200 đồng/kg so với nửa đầu tháng 7/2019, đạt 4.200 đồng/kg; Gạo nguyên liệu IR 504 cũng tăng 350 đồng/kg, lên mức 6.350 đồng/kg; Giá tấm gạo IR 504 tăng 400 đồng/kg, lên mức 6.000 đồng/kg. Giá gạo tăng do nguồn cung giảm, vì lúa hè thu 2019 tại nhiều địa phương hiện đã được nông dân thu hoạch và tiêu thụ gần hết cho các thương lái và các doanh nghiệp. Ngoài ra, giá tăng do chất lượng hạt lúa hè thu đạt tốt, nhờ thời tiết nắng, việc thu hoạch lúa diễn ra đúng tiến độ và không bị ảnh hưởng bởi mưa. Trong khi đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu cũng tăng 10 USD/tấn so với kỳ trước, đạt 350 USD/tấn. Nhu cầu đối với gạo Việt Nam duy trì ở mức vừa phải với hầu hết đơn đặt hàng mới đến từ Philippin và Malaysia.
Trong kỳ từ ngày 16/7 đến 29/7/2019, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 2,6% so với nửa đầu tháng 7/2019, đạt 33.100 đồng/kg. Hoạt động giao dịch cà phê đang chậm lại do nguồn cung thấp và giá giảm trong bối cảnh nguồn cung tăng mạnh từ Braxin. Giao dịch cà phê tại Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục chậm cho đến vụ 2019-2020 bắt đầu vào tháng 10 tới và giá cà phê Robusta có thể sẽ còn giảm trong những tuần tới.
Trong nửa cuối tháng 7/2019, giá hạt tiêu giảm 500 đồng/kg, xuống còn 45.500 đồng/kg do thị trường vẫn chịu sức ép dư cung và nhu cầu ở mức thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng hạt tiêu của Việt Nam đạt gần 251.000 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sâu bệnh gây chết hàng loạt nhiều vườn tiêu ở Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk. Nguyên nhân là giá hạt tiêu 3 năm gần đây xuống thấp nên người trồng hạt tiêu không đầu tư chăm sóc nhiều dẫn đến năng suất liên tục giảm. Tổng sản lượng hạt tiêu vẫn được duy trì ổn định là do diện tích trồng mới các năm 2013 - 2016 bắt đầu cho thu hoạch.
Giá nhân điều khô tại Bình Phước đã tăng 3,2% trong nửa cuối tháng 7/2019, đạt 32.000 đồng/kg. Giá hạt điều toàn cầu sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm bởi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng sẽ tăng hơn trong dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh, cùng với đó là áp lực dư cung giảm bớt (hiện nay chỉ còn một số nước trong giai đoạn cuối của vụ thu hoạch như Ấn Độ, Việt Nam, Bờ Biển Ngà...).
Cuối tháng 7/2019, giá cá tra thịt trắng loại 1 tại Đồng Tháp đã tăng nhẹ 500 đồng/kg so với giữa tháng 7/2019, đạt 21.000 đồng/kg. Mặc dù giá cá tra xuống thấp nhưng sản lượng vẫn tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước, do giá cá tra nguyên liệu năm trước cao kỷ lục nên diện tích nuôi cá tra được mở rộng. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2019, diện tích nuôi cá tra đạt 3.934 ha, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018. Sản lượng cá tra nuôi của các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 644,6 nghìn tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, một số tỉnh nuôi cá tra trọng điểm đạt sản lượng lớn: Đồng Tháp sản lượng ước đạt 204,9 nghìn tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2018; An Giang sản lượng đạt 175,4 nghìn tấn, tăng 13%; Cần Thơ sản lượng đạt 87,9 nghìn tấn, tăng 7,5%.
Thị trường cá tra từ đầu năm đến nay khá “ảm đạm” nhưng trong giai đoạn cuối năm xuất khẩu cá tra có thể sẽ cải thiện tích cực, nhưng đà tăng trưởng có thể sẽ không cao. Thời điểm hiện tại, lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp vẫn còn lớn và đang kỳ vọng sẽ tiêu thụ được vào các dịp lễ tết cuối năm, thời điểm nhu cầu cá tra thường tăng cao./.