Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và tập huấn nội dung của Luật Công chứng. Tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến hoạt động công chứng; xây dựng báo cáo kết quả rà soát và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Công chứng. Xây dựng Đề án quản lý, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của tỉnh đảm bảo đồng bộ, tích hợp với cơ sở dữ liệu công chứng của Bộ Tư pháp. Rà soát, phát triển đội ngũ công chứng viên. Xem xét, quyết định chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng tại những địa bàn cấp huyện đã phát triển được tổ chức hành nghề công chứng đáp ứng yêu cầu công chứng của cá nhân, tổ chức. Rà soát, giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của Phòng Công chứng hiện có trên địa bàn tỉnh theo quy định tại khoản 14 Điều 76 Luật Công chứng năm 2024.
Ban hành Quyết định quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ theo yêu cầu liên quan đến việc công chứng áp dụng đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, thực hiện công bố thủ tục hành chính về công chứng thuộc thẩm quyền của Sở Tư pháp trên cơ sở bộ thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng do Bộ Tư pháp ban hành đảm bảo phù hợp theo quy định của Luật Công chứng năm 2024; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bảo đảm thực hiện việc tham mưu thành lập, đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của Văn phòng công chứng theo quy định của Luật Công chứng được thuận lợi, kịp thời.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Hội Công chứng viên tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Công chứng viên tỉnh Bình Phước theo quy định tại Điều 41 Luật Công chứng năm 2024./.