Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng

Thứ hai - 25/05/2020 10:30
(CTTĐTBP) – Chiều 23/5, Quốc hội xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
phan xuan dung

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật này.

Ông Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị sửa đổi Luật Xây dựng phải bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quy hoạch… và các dự án Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cùng Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan nỗ lực rà soát các luật liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.

Dự thảo Luật đã được sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở…

Có ý kiến ĐBQH đề nghị cấp phép xây dựng ở nông thôn cần quản lý chặt chẽ hơn. Đề nghị miễn giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực miền núi, hải đảo.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã quy định chặt chẽ hơn đối với việc cấp giấy phép cho công trình xây dựng, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn cho phù hợp với tình hình thực tế và xu thế phát triển đất nước. Theo đó, dự thảo Luật quy định không yêu cầu phải có giấy phép xây dựng đối với công trình xây dựng ở nông thôn và nhà ở riêng lẻ thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn; nhà ở riêng lẻ thuộc vùng miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng; trừ công trình, nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu nhất trí với thẩm quyền cấp phép xây dựng do UBND tỉnh và UBND huyện. Song đề nghị, cần bổ sung thẩm quyền UBND cấp tỉnh đối với những công trình cấp huyện nhưng nằm trên địa bàn 2 huyện vì đã xảy ra những tình huống khá lúng túng không xác định được thẩm quyền thuộc UBND huyện nào cấp phép.

Liên quan đến nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, một số ý kiến bày tỏ lo ngại việc mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn, đề nghị cần có các quy định cụ thể hơn, tránh sự mất kiểm soát trong xây dựng ở nông thôn như xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ, an toàn điện, bảo vệ nguồn nước…

Một số ý kiến đại biểu nêu thực tế quá trình quản lý, một số tổ chức, cá nhân đã vận dụng việc miễn giấy phép xây dựng tại khu vực nông thôn, tự ý xây dựng nhiều công trình với quy mô, diện tích lớn, sử dụng với nhiều mục đích khác, có thể gây mất trật tự, khó khăn trong công tác quản lý. Do đó, đề nghị cần có quy định về giới hạn quy mô xây dựng công trình đối với khu vực nông thôn.

Một số ý kiến cho rằng, vẫn còn sự mâu thuẫn, chồng chéo với một số luật hiện hành cũng như một số dự thảo đang xây dựng; đề nghị cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của luật này với các luật đang dự thảo cũng như các luật trong hệ thống pháp luật nói chung./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,202
  • Hôm nay91,797
  • Tháng hiện tại1,440,925
  • Tổng lượt truy cập446,836,047
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây