(CTTĐTBP) - Ngày 5/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 187/KH-UBND về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Công tác đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng sẽ góp phần đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, trang bị cho học viên kiến thức, kỹ năng thực hành theo yêu cầu của vị trí việc làm, nâng cao năng suất, chất lượng lao động và khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm, hoặc có thể học lên trình độ cao hơn. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2025 (theo Quyết định số 1842/QĐ-UBND ngày 05/10/2022 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án tăng cường giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030).
Đào tạo nghề cho 40.000 lao động
Tại Kế hoạch này, UBND tỉnh đưa ra mục tiêu phấn đấu chung cho giai đoạn 2023-2025 với đào tạo nghề cho 40.000 lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% vào năm 2025.
Trong đó, lao động theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 1.500 lao động; lao động theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 1.000 lao động; lao động theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 2.500 lao động; lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội là 1.000 lao động; lao động trong doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Thông tư số 32/2018/TTBLĐTBXH ngày 26/12/2018 và lao động khác là 34.000 lao động.
Đơn vị tham gia đào tạo
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, còn các đơn vị, cơ sở GDNN khác: trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm GDNN, trung tâm GDNN - trung tâm giáo dục thường xuyên, trường đại học của các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, trang trại, nông trường, lâm trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ… trong và ngoài tỉnh có đủ điều kiện hoạt động GDNN. Nếu có nhu cầu tham gia thì lập báo cáo về giáo viên, chương trình, thiết bị đào tạo nghề, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Việc lựa chọn cơ sở đào tạo phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Đối tượng và điều kiện được hỗ trợ học nghề
Người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Lao động nông thôn theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm được hỗ trợ đào tạo nghề khi đáp ứng các điều kiện sau: Có nhu cầu đào tạo nghề trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; Chưa được hỗ trợ đào tạo nghề từ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề khác có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước kể từ ngày hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Lao động thuộc đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng gồm: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.
Mức hỗ trợ đào tạo, tiền ăn, đi lại; nguyên tắc hỗ trợ; nguồn kinh phí... xem chi tiết văn bản dưới đây: