Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), trong tháng 2/2017, sự hồi phục của giá hàng hóa, đặc biệt là giá dầu thô cộng với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới được cải thiện là nguyên nhân chính khiến giá nhiều mặt hàng nông sản trong nước có xu hướng tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm 2016. Mặt hàng có mức tăng giá mạnh nhất là cà phê nhân xô tại Tây Nguyên, cà phê Robusta, nhân điều...
Nguồn ảnh: Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại
Năm nay, do thời tiết bất thường nên hầu hết vườn điều đều ra hoa chậm, tiến độ thu hoạch trễ hơn so với năm ngoái. Trong tháng 2/2017, giá điều khô tăng 1.000 đồng/kg so với tháng 1/2017, đạt 54.000 đồng/kg. Ngày 23/3, giá điều tươi thu mua trên địa bàn huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước dao động ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg.
Trong tháng 2/2017, giá thu mua hạt tiêu đen tại thị trường trong nước tiếp tục giảm mạnh (9.000 đồng/kg so với tháng trước), xuống còn 115.000 - 118.000 đồng/kg. Giá tiêu trên thị trường xuống thấp là do yếu tố chất lượng của tiêu Việt Nam và do ảnh hưởng của yếu tố cung - cầu trên thị trường thế giới. Nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu không tăng đã tạo áp lực giảm giá đối với hàng nông sản này.
Về mặt hàng cao su, trong tháng 2/2017, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 100.000 tấn, trị giá 213 triệu USD, so với tháng trước tăng 6,3% về lượng và 17,8% về trị giá, so với tháng 2/2016 tăng mạnh (94,1% về lượng và 3,7 lần về trị giá). Tính đến hết tháng 2/2017, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 194.000 tấn, trị giá 394 triệu USD, tăng 34,7% về lượng và tăng tới 144% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, trong tháng 2/2017, giá cao su biến động trái chiều giữa giá thu mua và xuất khẩu. Theo đó, giá thu mua mủ cao su tại thị trường nội địa tăng 700 - 1.000 đồng/kg, tuy nhiên giá xuất khẩu các mặt hàng cao su như SVR CV, SVR 10, SVR 20 lại giảm 900 - 1.600 đồng/kg so với cuối tháng 1/2017. Giá xuất khẩu cao su tháng 2/2017 tiếp tục xu hướng tăng (tăng 10,8% so với tháng trước và tăng 92,1% so với cùng kỳ năm 2016), đạt bình quân 2.130 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 1/2017, Trung Quốc tiếp tục duy trì vị trí số 1 về tiêu thụ cao su của Việt Nam với khối lượng xuất khẩu sang thị trường này đạt 63,95 ngàn tấn, trị giá 126,53 triệu USD, so với tháng 12/2016 giảm mạnh 22,7% về lượng và 13% về trị giá, nhưng so với cùng kỳ năm 2016 lại tăng mạnh 30,8% về lượng và 131,4% về trị giá. Đáng chú ý, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 68% tổng khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 2/2017, tăng so với mức 52,8% của cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, so với tháng 1/2017, lượng cao su xuất khẩu tháng 2/2017 sang hầu hết các thị trường chính khác đều giảm. Trong đó, Malaysia giảm 48,6%, Mỹ giảm 26,9%, Hàn Quốc giảm 5,5%... Do cây cao su đang bước vào giai đoạn thay lá và cho năng suất thấp (từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm) nên xuất khẩu cao su của Việt Nam trong những tháng tới sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, điểm tích cực trong thời gian tới là giá cao su xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ được hỗ trợ tích cực bởi sự thiếu hụt nguồn cung do yếu tố mùa vụ, nhất là sau khi lũ lụt lớn xảy ra ở Thái Lan, làm cản trở hoạt động khai thác cũng như làm giảm sản lượng cao su của nhà cung ứng cao su hàng đầu thế giới./.
Nhật Phong