Xe dịch vụ mọc như nấm
Khi có nhu cầu xuống TP. Hồ Chí Minh, chỉ cần ra các trung tâm huyện, thị xã hỏi xe dịch vụ là chúng ta có thể lấy được số điện thoại của hàng chục nhà xe. Riêng địa bàn huyện Bù Đăng hiện có hơn 10 chiếc xe dịch vụ chuyên vận chuyển hành khách xuống TP. Hồ Chí Minh. Đơn cử như nhà xe Ngọc Bích, Bảy Xê, Phong Phú… Tại huyện Bù Đốp, số đầu xe khách chạy theo loại hình dịch vụ đông hơn gấp nhiều lần, thậm chí có chủ xe mua hàng chục chiếc như nhà xe Hà Chiến, Trung Chén, Thanh Hồi…
Xe dịch vụ tại các bến dù.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Hợp tác xã vận tải Lộc Ninh, cho biết trên địa bàn huyện Lộc Ninh có khoảng 25 xe ô tô loại 29 chỗ ngồi chạy dịch vụ đưa người dân xuống Sài Gòn khám chữa bệnh. Cứ khoảng 3 giờ sáng, sau khi rước đủ khách, các xe từ huyện Bù Đốp đi qua Lộc Ninh, họ nối đuôi nhau chạy hướng về Sài Gòn thành đoàn dài. “Để đi xuống các bệnh viện kịp giờ cho hành khách khám bốc số thứ tự khám bệnh, các tài xế chạy bất chấp quy định, phóng nhanh vượt ẩu với tốc độ cao. Quãng đường gần 200 km, nhưng khoảng 3 giờ sáng xe xuất phát thì 5 giờ đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh. Chưa nói đến đoạn đường từ trung tâm huyện Lộc Ninh tới thị xã Bình Long hiện đang thi công”, ông Thái bức xúc nói.
Rất khó xử lý
Theo ông Hồ Văn Hữu, các chủ xe thường có nhiều mánh khóe để lách luật, trốn thuế như làm hợp đồng ký khống, xe không vào bến nên không thực hiện nghĩa vụ bến bãi… “Chúng tôi đã nhiều lần nhận được phản ánh của các hợp tác xã vận tải trên địa bàn tỉnh, nhưng vẫn chưa xử lý tận gốc các xe gian lận này. Bởi vì, loại xe chạy hợp đồng thường rước khách trong khoảng thời gian lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông nghỉ làm việc. Xuống TP. Hồ Chí Minh, các xe hợp đồng trả khách trước 6 giờ sáng, do đó lực lượng chức năng rất khó kiểm tra”, ông Hữu nói.
“Chúng tôi đã yêu cầu lực lượng thanh tra giao thông kết hợp với cảnh sát giao thông kiểm tra chặt loại hình xe dịch vụ này trong thời gian tới. Tuy nhiên, chúng ta phải ghi nhận loại hình xe dịch vụ này, bởi nó phù hợp với đặc điểm và nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh. Nếu chúng ta làm căng sẽ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhưng nếu để hoạt động tự do sẽ gây rối trong quản lý vận chuyển hành khách. Trước thực trạng trên, chúng tôi đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải điều chỉnh các quy định quản lý loại xe khách đăng ký chạy hợp đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhưng vẫn phải đóng thuế và tồn tại đúng luật”, ông Hữu nhấn mạnh./.
Nhật Phong