Hiện nay, BHYT đã dần khẳng định vai trò là trụ cột của an sinh xã hội với tỷ lệ bao phủ tăng lên khá nhanh (71,6% dân số tham gia). Ngày 13/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2008, nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khi ốm đau, bệnh tật; đồng thời tiến tới phủ sóng BHYT toàn dân, đảm bảo quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm.
Trong đó, có nhiều điểm mới như quy định bắt buộc người dân tham gia BHYT; toàn bộ các thành viên có tên trong sổ hộ khẩu gia đình hoặc sổ tạm trú đều phải tham gia BHYT với mức đóng giảm dần từ thành viên thứ 2 trở đi (lần lượt là 70%, 60%, 50% so với mức đóng của người thứ nhất). Đối với mức đóng và trách nhiệm BHYT, luật cũng quy định mức đóng được xác định theo tỷ lệ phần trăm của lương tháng, tiền lương hưu, tiền trợ cấp. Phạm vi hưởng BHYT đã được điều chỉnh, luật hướng tới trường hợp điều trị do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tật khúc xạ cho trẻ em dưới 6 tuổi…
Tại hội nghị, nhiều đại biểu và người dân đã tham gia ý kiến thảo luận, đóng góp và nêu lên những thắc mắc về miễn giảm tiền thuốc khi khám bệnh trái tuyến cùng một số rào cản khác. Một bộ phận nhân viên y tế cấp huyện, xã, phường còn có cách hành xử thiếu văn hóa đối với người dân khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Việc mua BHYT theo hộ gia đình, trong trường hợp các hộ có điều kiện kinh tế mức trung bình, khó khăn thì đây là một bài toán nan giải về kinh tế…
Đại diện lãnh đạo BHXH tỉnh đã tiếp thu, giải trình thỏa đáng về một số kiến nghị, thắc mắc của đại biểu, người dân; đồng thời hứa sẽ phát huy tốt vai trò của ngành trong công tác này./.
Ngọc Nhật