Đây là một bất lợi lớn cho người trồng mít hiện nay. Ngoài việc bị thương lái ép giá, người trồng mít còn bị ép chất lượng. Với giá mít như vậy, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã đổ mít đi vì không kịp thu hoạch.
Người trồng mít chịu cảnh “khóc ròng” vì giá thấp.
Ông Trần Văn Tuyên (ngụ xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) cho biết: “Bắt đầu từ tháng 10/2014, vườn mít của gia đình đã cho thu hoạch, nhưng đến nay không có một thương lái nào vào tìm mua. Nguyên nhân do những thương lái này biết mít người nông dân trồng nhiều nên cố tình ép giá, hoặc nếu có mua thì mua giá thấp”.
Cũng theo ông Tuyên, một trái mít ước trọng lượng hơn 12 kg, chỉ với giá 10.000 đồng, còn trái mít dưới 8 kg thương lái không chịu mua. Ông Tuyên nhẩm tính: “Nếu giá mít thấp như hiện nay, gần 2 ha mít của gia đình chỉ thu gần 30 triệu đồng. Nếu tính cả chi phí phân bón, công chăm sóc thì tôi lỗ nặng”.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 700 ha mít, trong đó 500 ha đang cho thu hoạch với năng suất hơn 7 tấn/ha./.
Nhật Chiêu