Ông Nguyễn Văn Rạng, Chủ nhiệm hợp tác xã, cho biết: Ngày đầu thành lập, hợp tác xã ít vốn, lại đóng trên địa bàn huyện vùng biên khó khăn, nên ban chủ nhiệm quyết định chọn loại hình hoạt động cung ứng vật tư nông nghiệp. Sau khi thành lập, hợp tác xã xác định phương châm “cung ứng vật tư nông nghiệp chất lượng, giá hợp lý, kèm bao tiêu sản phẩm cho nông dân”. Do đó, hợp tác xã tạo được niềm tin với khách hàng và phát triển kinh doanh hiệu quả nhanh chóng.
Tháng 3/2013, bến xe Bù Đốp chính thức đi vào hoạt động.
Anh Hoàng Bích Hiệp, một khách hàng của hợp tác xã, nói: “Dù trúng hay mất mùa, hợp tác xã không ép giá nông dân. Đồng thời tạo điều kiện cho các hộ khó khăn vay vốn, mua thiếu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không tính lãi hoặc cho trả chậm để chăm sóc vườn cây. Từ cách làm hay này, hợp tác xã tạo được niềm tin cho người dân trên địa bàn huyện”.
Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 6/2012, hợp tác xã đã xây dựng bến xe Bù Đốp theo hình thức xã hội hóa. Đến tháng 3/2013, bến xe chính thức đi vào hoạt động, tạo điều kiện đi lại, lưu thông hàng hóa cho người dân. Trung bình mỗi ngày có 40 đầu xe xuất bến trên các tuyến: Bù Đốp – các bến xe miền Đông, Bù Đốp – các bến xe miền Tây. Hiện nay, doanh thu của bến xe tăng trưởng 10%/tháng, cho thấy hướng phát triển kinh doanh dịch vụ vận tải của hợp tác xã đang đi đúng hướng.
Trong tháng 7/2013, hợp tác xã tiếp tục đầu tư và đưa hệ thống taxi Thiện Hưng vào hoạt động. Taxi Thiện Hưng hiện có 8 chiếc xe 4 chỗ và 5 chiếc xe 7 chỗ, hoạt động trên địa bàn huyện Bù Đốp và Lộc Ninh. Những bước phát triển của hợp tác xã, ngoài đem lại hiệu quả kinh tế cho xã viên mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 50 lao động trên địa bàn huyện, với mức lương bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.
Nhật Phong