Biểu tượng tiếng chày giã gạo trên sóc Bom Bo.
Thời ấy, người dân trong sóc sẵn sàng ăn củ rừng, ăn tro để nhường gạo, muối cho bộ đội. Đàn ông, trai tráng nhập ngũ chiến đấu; còn phụ nữ, trẻ em đêm đêm giã gạo nuôi quân đánh giặc bên ánh lửa lồ ô bập bùng. Thế nhưng, từ tháng 4/1998 đến tháng 4/2012, tên “sóc Bom Bo” chỉ còn trong lời bài hát và tâm tưởng của người dân nơi đây, khi mà tên sóc lần lượt được đổi thành thôn 1 xã Bom Bo, rồi thôn 1 xã Bình Minh. Thể theo nguyện vọng của người dân Bom Bo, đến tháng 5-2012, chính quyền địa phương đã quyết định “lấy lại tên” cho sóc.
Và từ đó, sóc Bom Bo lại có thêm một cái kết thật hậu, khi được UBND tỉnh triển khai thực hiện dự án xây dựng khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng tại sóc. Dự án đã mang lại niềm vui cho người dân nơi đây, với hàng loạt các công trình nhà dài, nhà đón tiếp du khách, khu làng nghề truyền thống (dệt, rèn), trường học, điện, đường… đã và đang từng ngày dệt nên “chiếc áo mới” Bom Bo.
Là sóc anh hùng, lại đang là điểm nhấn trọng tâm trong định hướng phát triển du lịch văn hóa, du lịch về nguồn của tỉnh, nhưng không mấy người biết rõ ngọn nguồn lịch sử của sóc có tự bao giờ? Và dường như người ta biết nhiều về sóc thông qua bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng hơn là những gì sóc đang có được. Theo lời kể của già làng Điểu Lên – người gắn bó với sóc qua hai thời kỳ kháng chiến và xây dựng - thì tên sóc Bom Bo được biết đến vào năm 1965, thời điểm Khu ủy khu 10 và Bộ chỉ huy Quân sự Miền quyết định mở chiến dịch Ðồng Xoài - Phước Long. Khi đó, già trẻ, gái trai Bom Bo và những vùng khác huy động toàn bộ cối chày, ngày đêm giã gạo phục vụ bộ đội, tạo nên sức mạnh của tình quân dân.
Còn theo trang web wikipedia - bách khoa toàn thư mở - được dân mạng trên toàn thế giới tin tưởng biết đến, thì lịch sử hình thành sóc Bom Bo là như thế này: “Vào những năm 1962 - 1963, quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa dồn dân vào ấp chiến lược nhưng cả sóc Bom Bo kiên quyết không vào ấp chiến lược. Đến giữa năm 1963, hơn 100 người dân của sóc Bom Bo đã lặng lẽ băng rừng, vượt suối vào căn cứ "Nửa Lon" bên dòng suối Đăk Nhau và Đăk Liêng để lập ra sóc mới cũng mang tên sóc Bom Bo”.
Như vậy, đâu là mốc thời gian ra đời chính xác của sóc Bom Bo? Hay sóc Bom Bo ra đời trong hoàn cảnh cụ thể như thế nào? Căn cứ "Nửa Lon" ấy có trùng lặp vị trí của sóc bây giờ? Diễn biến lịch sử hình thành và phát triển của người dân, nhóm dân cư Bom Bo từ thời điểm đó đến nay? Có nên xuất bản một cuốn sổ tay “lịch sử sóc Bom Bo” tặng cho du khách ghé thăm sóc?... Hàng loạt câu hỏi trên đang chờ đáp án của ngành văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh nhà cũng như chính quyền sở tại. Để khi dự án khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng tại sóc Bom Bo chính thức đi vào hoạt động, thì lịch sử của sóc Bom Bo không còn mập mờ nữa./.
Hồng Phấn