Ảnh minh họa.
Theo đánh giá của UBND huyện Đồng Phú, công tác xóa mù chữ cho thanh niên tuy được các cấp ngành của huyện quan tâm thực hiện nhưng hiệu quả còn chưa cao. Số người mù chữ còn nhiều; riêng ở độ tuổi thanh niên 16 – 30, toàn huyện còn 322 người. Nguyên nhân là do một số ít cha mẹ học sinh còn phó thác cho nhà trường, xem nhẹ việc quản lý, giáo dục học hành của con em tại gia đình; một số học sinh do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn nên đã bỏ học, trở thành lao động chính trong gia đình.
Trong năm 2015, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu xóa mù chữ cho 125 người (53 thanh niên trong độ tuổi 16 – 30); xóa mù chữ cho 40 người dân tộc thiểu số. Trong đó, ở 2 xã Đồng Tâm và Tân Lợi, mỗi xã mở ít nhất một lớp xóa mù chữ. Huyện cũng phấn đấu trong năm 2015 có 80% số người biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm chống tái mù chữ; 100% các xã, thị trấn giữ vững chuẩn về chống mù chữ. Phấn đấu đến năm 2020 xóa mù chữ cho 500 người, nâng tỷ lệ người biết chữ đạt 98%; xóa mù chữ cho 250 thanh niên ở độ tuổi 16 – 30, nâng tỷ lệ thanh niên biết chữ đạt 99,5%.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện đã ban hành 5 giải pháp thực hiện. Trong đó đáng chú ý là giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong các nhà trường bằng việc tăng cường bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. Thực hiện chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn dân cư có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cùng với đó là giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ, với việc huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, sách vở hỗ trợ cho người dạy, người học xóa mù chữ. Tăng cường huy động giáo viên các trường tiểu học; cán bộ hưu trí; các hội viên, đoàn viên của các hội, đoàn thể tổ chức tham gia dạy xóa mù chữ. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động tình nguyện của tổ chức đoàn thanh niên đối với công tác này./.
Hồng Phấn