Trong đề án, UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh xen canh để tăng năng suất, chất lượng các vườn điều; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và hiệu quả sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập cho người trồng điều, gắn với phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Đến năm 2020, tổng diện tích điều toàn tỉnh phấn đấu đạt 181.000 ha (137.700 ha điều trên đất sản xuất nông nghiệp, 43.300 ha trên đất rừng sản xuất). Đối với diện tích điều trên đất sản xuất nông nghiệp phấn đấu năng suất đạt trung bình 2 tấn/ha, trên đất rừng sản xuất phấn đấu đạt năng suất bình quân 1,8 tấn/ha.
Đề án còn hướng đến sử dụng 100% giống điều mới (cây ghép) có năng suất, chất lượng cao để tái canh, cải tạo 60.000 ha điều già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp trên toàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh thâm canh khoảng 45.000 ha cây điều để phát huy tiềm năng, lợi thế và nâng cao hiệu quả sản xuất cây điều.
Bên cạnh đó, có khoảng 5.000 ha cây điều được trồng xen ca cao; khoảng 2.000 ha cây điều kết hợp nuôi gà thả vườn, nuôi ong lấy mật; hình thành ít nhất 40 câu lạc bộ liên kết sản xuất trồng điều. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 100% cơ sở chế biến hạt điều được cấp giấy chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn về nhân điều xuất khẩu và 20% sản phẩm nhân điều, 50% dầu vỏ hạt điều chế biến sâu.
Đề án này được UBND tỉnh phê duyệt ngày 30/6/2016, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở ngành, UBND các huyện, thị xã và các doanh nghiệp có liên quan tổ chức thực hiện./.
TT.THCB