Tại Bình Phước, nghề mộc mỹ nghệ gia dụng có nhiều điều kiện để phát triển, vì địa phương đang làm chủ nguồn nguyên liệu sản xuất và số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tăng mạnh trong những năm gần đây. Theo khảo sát sơ bộ của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, toàn tỉnh hiện có 1.360 doanh nghiệp, cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ gia dụng, trong đó có 727 cơ sở đã đăng ký kinh doanh.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ gia dụng phải đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, chủng loại.
Ông Vũ Duy Khiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, cho biết: “Sự phát triển của ngành nghề này đã tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương. Đặc biệt, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh và tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ thanh lý, tận thu từ các khu rừng trồng và nguyên liệu, cây công nghiệp lâu năm tới thời kỳ thanh lý…”.
Theo đó, “việc xây dựng các chương trình, chính sách xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm cần được tính toán song hành. Kế đó là xây dựng chính sách bảo hộ thương hiệu sản phẩm; hình thành những làng nghề, hiệp hội đủ mạnh nhằm tạo sức cạnh tranh và tiếng nói chung trong lĩnh vực này”, anh Trần Công Hiệp (chủ Cơ sở gỗ mỹ nghệ Hiệp Thành, Bù Đốp) chia sẻ.
Cùng với đó, tỉnh nên có nhiều chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông nghiệp nông thôn, trong đó có nghề mộc mỹ nghệ gia dụng. Sở Công thương cũng như Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm trong tỉnh, khu vực và nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp về đăng ký thương hiệu sản phẩm; tổ chức hội thi bình chọn hàng công nghiệp tiêu biểu của tỉnh hàng năm…
Thêm một tín hiệu vui là Hiệp hội gỗ và chế biến lâm sản Việt Nam cũng đã bàn tới việc phát triển, mở rộng, xây dựng ngành nghề chế biến gỗ, lâm sản tại tỉnh; đồng thời tiến tới thành lập Chi hội gỗ và chế biến lâm sản Bình Phước. Đây chính là cơ hội để nghề mộc mỹ nghệ gia dụng của tỉnh hòa mình vào “biển lớn”. Tuy nhiên, thách thức lại đặt ra cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ gia dụng là phải đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng, mẫu mã, chủng loại… nhằm tăng sức cạnh tranh và khẳng định mình trên thị trường./.
Nhật Phong