Cử tri gửi gắm 118 lượt ý kiến tâm huyết đến đại biểu Quốc hội tỉnh

Thứ năm - 18/08/2016 14:54 889

Cử tri gửi gắm 118 lượt ý kiến tâm huyết đến đại biểu Quốc hội tỉnh

(CTTĐTBP) - Ngày 17/8, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã có báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh nhà trong đợt tiếp xúc với đại biểu Quốc hội sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14.
 

Theo đó, từ ngày 1/8/2016 đến ngày 4/8/2016, Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức cho 6/6 đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 14 nhằm thông báo đến cử tri kết quả kỳ họp thứ nhất, đồng thời tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tỉnh.

 

Các buổi tiếp xúc được tổ chức tại trung tâm các huyện, thị xã và cụm xã trên địa bàn 11 huyện, thị xã với 1.988 cử tri tham gia, là các cán bộ, công chức, viên chức và cử tri các xã, phường, thị trấn của các huyện, thị xã. Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đã phát biểu 118 lượt ý kiến tập trung vào một số vấn đề: Tình hình biển Đông; công tác phòng chống tham nhũng; tình trạng ô nhiễm môi trường; công tác quản lý, khai thác và bảo vệ rừng; việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người có công…
 
Nhiều ý kiến tâm huyết về lĩnh vực kinh tế
 
Cử tri tỉnh nhà kiến nghị: Bình Phước là tỉnh miền núi biên giới có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhân dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh còn thiếu thốn so với các tỉnh bạn. Từ đó, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng; quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
 
Cử tri kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng cần có giải pháp kiểm soát chặt chẽ tình trạng một số doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng nông sản tràn lan, không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản giá rẻ, không đảm bảo chất lượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất nông sản trong nước, gây thiệt hại cho người nông dân.
 
Cử tri huyện Chơn Thành phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc đại biểu Quốc hội tỉnh. Ảnh: Đỗ Trình.
 
Cử tri cũng kiến nghị Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội tăng cường giám sát việc công khai minh bạch các dự án BOT và hoạt động thu phí của các trạm thu phí giao thông. Vì hiện nay, theo phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng thì tình trạng trạm thu phí thu chênh lệch 1 ngày tới 700 triệu đồng như trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ, đã gây thất thoát ngân sách nhà nước và tiền nộp phí của nhân dân.
 
Đào tạo nghề ở các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động
 
Về lĩnh vực văn hóa - xã hội, cử tri Bình Phước phản ánh: Hiện nay, số lượng sinh viên ra trường hàng năm rất lớn nhưng khả năng giải quyết việc làm còn rất hạn chế. Tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành nghề hoặc không xin được việc làm còn nhiều, do nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hạn chế. Điều này gây lãng phí tiền bạc, thời gian học tập và lãng phí nhân tài; không đảm bảo chính sách giải quyết việc làm, phát sinh nhiều tệ nạn xã hội.
 
Do đó, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn trong việc định hướng nghề nghiệp; rà soát các lĩnh vực có nhu cầu sử dụng lao động lớn để chú trọng đào tạo, những lĩnh vực ít sử dụng lao động cần thu hẹp phạm vi đào tạo. Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động đào tạo đại học theo hình thức liên thông, tại chức, từ xa… nhằm tránh tình trạng đào tạo tràn lan, không đảm bảo chất lượng; đào tạo không có định hướng, không quy hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực ngành nghề, cho từng vùng địa phương trong cả nước.
 
Đề nghị xem xét lại quy định phạt lỗi “không gạt chân chống xe”
 
Trong đợt tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri Bình Phước cũng quan tâm và kiến nghị Chính phủ xem xét lại nội dung điểm a, khoản 7, Điều 6 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8/2016) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
 
Cụ thể là việc quy định: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy, xe máy điện sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy. Cử tri cho rằng mức phạt này là quá cao và chưa phù hợp.
 
Theo cử tri, trong nhiều trường hợp, việc quên không gạt chân chống xe khi đang chạy chỉ là lỗi vô tình chứ không phải lỗi cố ý của người điều khiển xe. Mặt khác, việc xác định người điều khiển phương tiện cố tình “sử dụng chân chống quệt xuống đường khi xe đang chạy” là rất khó và mơ hồ, chỉ trừ trường hợp tổ chức đua xe trái phép. Do đó, cử tri đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định này cho phù hợp, tránh gây bức xúc cho người điều khiển xe khi bị xử phạt, cũng như phòng ngừa các tình trạng tiêu cực sẽ xảy ra./.
 
Thế Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,061
  • Hôm nay55,655
  • Tháng hiện tại4,967,011
  • Tổng lượt truy cập411,708,865
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây