Trước tình hình này, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã khuyến cáo bà con nông dân trồng điều trên địa bàn tỉnh cần quan tâm nhiều hơn đến cây điều trong vườn nhà mình và tích cực thực hiện một số giải pháp phòng trừ bệnh trên cây điều. Thời điểm này, cây điều đang trong giai đoạn phát triển thân, cành, lá nên bà con nông dân cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, bón phân hợp lý cho cây điều và các đối tượng gây hại như sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi và nhiều loại bệnh hại khác.
Đối với sâu đục thân, cành, bà con cần chú ý phát hiện sâu ngay lúc mới đục ở phần vỏ, bóc chỗ vỏ có sâu đục để diệt sâu. Khi phát hiện thấy lỗ đục có phân thải ra (sâu còn ở trong đường hầm), dùng dây kẽm moi theo đường đục để diệt hoặc có thể sử các loại thuốc trừ sâu có tính xông hơi, lưu dẫn và tiếp xúc để trừ bằng cách cho thuốc vào trong lỗ đục, sau đó bịt kín lỗ đục bằng đất sét. Bắt nhộng, sâu non và trứng bằng tay cũng hạn chế được thiệt hại do sâu đục thân. Quét vôi lên gốc thân từ 1m trở xuống vào đầu mùa khô để phòng sâu đục thân đẻ trứng gây hại. Đối với sâu đục cành, sau vụ thu hoạch, bà con cắt tỉa những cành bị sâu bệnh gây hại đem đi tiêu hủy.
Đối với bọ xít muỗi, bà con nông dân trồng điều cần làm cỏ vệ sinh vườn, phát quang bụi rậm. Có thể dùng các loại thuốc hóa học để phun khi bọ xít muỗi xuất hiện và gây hại ở mức độ nhẹ như: Cyperan 5EC, 10EC, 25EC; Tungrin 5EC, 10EC, 25EC (hoạt chất Cypermethrin); Tungent 5SC (hoạt chất Fipronil), 100SC. Đối với bệnh thán thư, bà con nên dùng các loại thuốc: Carban 50SC, Carbenzim 50WP, 500FL (hoạt chất Carbendarzim); Ridomil gold 68WP (hoạt chất Metalaxyl + Mancozeb), Antracol 70WP (hoạt chất Propineb)./.
Nguyễn Văn Việt