Bình Phước ghi nhận 1.170 loài thực vật

Thứ sáu - 06/10/2017 11:23
(CTTĐTBP) - Bình Phước là một trong những tỉnh có khu hệ động vật và thực vật trên cạn cũng như thủy sinh hết sức phong phú.
 
Thống kê dạng sống của các loài thực vật và các loài thực vật bậc cao thuộc dạng quý hiếm ở Bình Phước.
 
Theo “Địa chí Bình Phước”, Bình Phước nằm trong vị trí địa lý thuộc vùng chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng và thuộc sườn tây nam của dãy Trường Sơn, có điều kiện địa hình, địa mạo và thủy văn đa dạng. Về mặt sinh thái, tỉnh Bình Phước thuộc vùng sinh thái Nam Trường Sơn và vùng sinh thái rừng khô trung tâm Đông Dương. Do đó, thảm thực vật Bình Phước có các đặc trưng cơ bản của hệ sinh thái rừng ẩm nhiệt đới gió mùa, điển hình ở phía Nam nước ta trong hệ sinh thái rừng miền Đông Nam Bộ; đồng thời có những đặc điểm chung của hệ sinh thái vùng Đông Dương trên nền khí hậu gió mùa cận xích đạo, có lượng mưa lớn và phân mùa rõ rệt, ánh sáng dồi dào, độ ẩm không khí cao và chế độ thủy văn khá thuận lợi.
 
Phần lớn diện tích đất là các loại đất tốt thuộc nhóm đất đỏ vàng trên nền đá bazan, giàu dinh dưỡng, thích hợp cho nhiều loại động thực vật sinh sôi và phát triển. Những đặc điểm thuận lợi đó đã hỗ trợ cho sự hình thành và phát triển nhiều hệ sinh thái đặc sắc cũng như số lượng loài thực vật và động vật hết sức phong phú và đa dạng.
 
Những năm đầu thế kỷ XX, trước khi thực dân Pháp tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, Bình Phước vẫn chủ yếu là vùng rừng núi bạt ngàn, hoang sơ. Qua đầu thế kỷ XX, sau khi trồng thử nghiệm thành công cây cao su, giới tư bản Pháp đổ xô vào Đông Dương thành lập các đồn điền cao su. Tại địa bàn Bình Phước, cây cao su được đưa đến trồng ở Xa Trạch, Hớn Quản (năm 1909) và nhanh chóng trở thành các đồn điền lớn như Quản Lợi, Xa Cam, Xa Trạch, Phú Riềng...
 
Song song với sự phát triển nhanh chóng của các đồn điền cao su, thực dân Pháp tiến hành khai thác gỗ quý, lâm sản khác ở các tổng Phước Thành, Bình Tuy (vùng Phước Long ngày nay) và với sự khai khẩn đất làm nương rẫy của đồng bào di cư từ các nơi khác đến, hàng ngàn hécta rừng tự nhiên bị thu hẹp.
 
Rừng tự nhiên Bình Phước vào thời điểm năm 1943 vẫn có độ che phủ khoảng 60 - 70% diện tích đất tự nhiên. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng Bình Phước bị tàn phá do chính sách hủy diệt tàn bạo của địch như ủi phá lập vành đai trắng, ném bom rải thảm, bom cháy, chặt phá rừng, khai thác gỗ bừa bãi.
 
Trong những năm sau giải phóng (1975 - 2002), thực hiện chính sách di dân, xây dựng kinh tế mới của nhà nước, nhiều vùng rừng núi rộng lớn được quy hoạch, có thể nói, gần như được khai thác trắng lập nên các làng, các xã ở các huyện Đồng Phú, Phước Long, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bình Long... ngày nay. Kèm theo đó là một diện tích lớn đất rừng được phép khai thác để trồng cây lương thực, cây công nghiệp và lấy gỗ làm nhà.
 
Bản đồ phân bố một số loài thực vật quý hiếm ở Bình Phước.
 
Trong 10 năm trở (2002 - 2011), diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Bình Phước đã suy giảm đáng kể. Năm 2002, toàn tỉnh Bình Phước có 127,863 ha rừng tự nhiên (chiếm 18,65% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh) thì đến năm 2011, diện tích rừng tự nhiên giảm còn 62,805 ha. Như vậy, sự phát triển dân số, vấn đề di dân đến các khu vực đa dạng sinh học cao đã phát sinh những thách thức mới trong quá trình phục hồi và phát triển tài nguyên sinh học. Thêm vào đó, sự phát triển về kinh tế - xã hội dẫn đến sự phát triển của các khu dân cư, đô thị, công nghiệp... tạo nên những thách thức lớn. Việc chuyển đổi một phần diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng cao su qua nhiều thời kỳ đã làm suy giảm đáng kể diện tích rừng tự nhiên của tỉnh Bình Phước.
 
Với sự suy giảm về diện tích rừng tự nhiên như đã nói trên, sự suy giảm về giá trị tài nguyên đa dạng sinh học là tất yếu. Hệ quả là một số lượng lớn các cá thể và cả một số loài động, thực vật mất đi, trong đó có thể có những loài mà khoa học vẫn chưa biết đến, mặc dù sự suy giảm nói trên chưa thể kiểm chứng được một cách đầy đủ.
 
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có Vườn quốc gia Bù Gia Mập có sự đa dạng sinh học rất cao. Ngoài ra, các khu vực như Tây Cát Tiên thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên, các khu rừng đặc dụng lịch sử, rừng phòng hộ và rừng sản xuất chứa đựng nguồn gen phong phú về số lượng, thành phần loài động thực vật, đặc biệt là thành phần loài động thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và danh mục đỏ các loài bị đe dọa trên thế giới khá phong phú.
 
Về mặt hệ sinh thái, hệ thống thủy văn đa dạng với các lưu vực sông (Sông Bé, Sài Gòn, Sông Măng) đã hình thành nên những khu đất ngập nước cả tự nhiên và nhân tạo với nhiều loài chim nước đặc sắc và khu sinh vật thủy sinh đa dạng. Các hệ sinh thái trên cạn tiêu biểu của khu vực gồm có kiểu rừng thường xanh trên núi thấp, kiểu rừng thường xanh trên đất thấp, kiểu rừng khô trung tâm Đông Dương là những khu vực quan trọng trong chiến lược bảo tồn và phát triển về đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ các giống loài động thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng).
 
Phần lớn thảm thực vật tự nhiên ở tỉnh Bình Phước từng thuộc các cánh rừng rộng lớn nối liền với các rừng tự nhiên khác trong cùng khu vực Đông Nam bộ. Nhưng do bị tác động khai thác rừng, phá rừng làm rẫy, tác động của chiến tranh sau nhiều năm nên các kiểu thảm rừng tự nhiên hiện nay bị thu hẹp, chia cắt thành các khu vực có diện tích nhỏ, phân bố rải rác khắp địa bàn tỉnh, hình thành nên những mảng rừng tự nhiên nhỏ kiểu dạng “da beo” xen kẽ với rừng trồng và đất canh tác nông nghiệp. Các loài cây gỗ lớn chiếm ưu thế, thường là các loài cầy, chò sót, sòi… Trong đó, các quần thể cây họ dầu góp mặt ở đây là dầu rái, sao đen, dầu lông.
 
Ở những diện tích rừng trên phạm vi khai thác của vùng mỏ đá vôi và các nơi trước đây được khai thác trắng, dọn sạch mặt bằng sau này thì các loài thực vật tự nhiên bắt đầu phục hồi lại. Khảo sát khu vực này cho thấy có sự hiện diện trở lại của các loài sau đây: Dây chiều, trinh nữ, lành ngạnh, lòng mức, cò ke, dó lông, tai nghé, trần mai, lim vàng, ba bét, hà thủ ô, cỏ tranh, cỏ hôi, mồng gà, chổi đực, cỏ mỹ, mắc cỡ gai, dây kim cang.
 
Trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã ghi nhận được 1.170 loài thực vật, thuộc 545 chi thực vật của 143 họ thực vật bậc cao có mạch hiện đang tồn tại. Trong đó, nhóm hạt kín có 1.067 loài, 496 chi, thuộc 120 họ, chiếm hơn 91,2% tổng số loài của cả khu hệ thực vật. Tiếp theo là nhóm khuyết thực vật có 95 loài, 46 chi, thuộc 20 họ, chiếm tỷ lệ 8,1%; nhóm hạt trần có 8 loài của 3 chi, thuộc 3 họ thực vật, chiếm tỷ lệ 0,7%. Đáng lưu ý, trong số này có 22 loài bị đe dọa trên quy mô toàn cầu được ghi trong Danh mục sách đỏ của thế giới (IUCN, 2012) và trong Sách đỏ Việt Nam (2007).
 
Các họ thực vật có nhiều loài nhất, lần lượt là họ thầu dầu (Euphorbiaceae) có 69 loài, họ dâu tằm (Euphorbiaceae) có 63 loài, họ đậu (Fabaceae) có 59 loài, họ cà phê (Rubiaceae) có 57 loài. Các họ kế tiếp, mỗi họ đều có dưới 40 loài là họ trúc đào (Apocynaceae), họ bứa (Clusiaceae), họ sổ (Dilleniaceae), họ từ (Dioscoreaceae), họ bình linh (Verbenaceae)... Hầu hết các họ có số loài dưới 10.
 
Trong danh lục thực vật ở Bình Phước, có 53 loài thực vật bậc cao quý hiếm đang trong tình trạng bị đe dọa ở mức độ quốc gia (Sách đỏ Việt Nam 2007) và toàn cầu (IUCN 2012). Trong đó, ở mức độ quốc gia có 1 loài ở mức “Rất nguy cấp” (CR), 15 loài ở mức “Nguy cấp” (EN) và 18 loài ở mức “Sẽ nguy cấp” (VU). Ở mức độ toàn cầu, có 14 loài “Nguy cấp” và 9 loài ở mức “Sẽ nguy cấp”. Các loài này là đối tượng ưu tiên cho các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh./.
 

Nhật Phong (t/h) 

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập954
  • Hôm nay29,040
  • Tháng hiện tại9,805,120
  • Tổng lượt truy cập493,668,558
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây