Đồng chí Trần Văn Trà triển khai kế hoạch tác chiến trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 ở Bình Long. Nguồn ảnh: Bảo tàng Bình Phước.
Bình Phước là một địa bàn chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Những chiến thắng quan trọng trên địa bàn tỉnh như: Chiến thắng Lộc Ninh trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972; giải phóng Đồng Xoài, Phước Long trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long cuối năm 1974, đầu năm 1975; giải phóng Bình Long ngày 23/3/1975; giải phóng phóng Chơn Thành ngày 02/4/1975. Các chiến thắng quan trọng trên góp phần cùng quân và dân các tỉnh miền Nam và các binh đoàn chủ lực trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thu giang sơn về một mối.
Các trận đánh then chốt của chiến dịch thường nhằm vào các mục tiêu chủ yếu. Chiến thắng ở những trận đánh then chốt trong các chiến dịch trên địa bàn tỉnh Bình Phước từ năm 1972 đến năm 1975 có tác động hỗ trợ, thúc đẩy nhau, tạo điều kiện cho giải phóng toàn tỉnh Bình Phước, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Kết quả của các trận đánh then chốt đã phản ánh kết quả toàn bộ chiến dịch. Ở Bình Phước, các trận đánh then chốt đều nằm ở những vị trí chiến lược, tạo nên thế trận liên hoàn, phá vỡ một trong những hệ thống phòng ngự kiên cố của địch ở phía Tây Bắc Sài Gòn.
Trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, tiến công cụm cứ điểm Lộc Ninh là trận đánh then chốt. Tiêu diệt được cụm cứ điểm Lộc Ninh lập tức kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ khu vực phòng ngự tiền tiêu của địch ở Bắc đường số 13, mở toang cửa xuống phía Nam. Qua đó, ta đã thực sự làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông Nam bộ, giành quyền chủ động chiến lược, tạo thế đứng vững chắc cho bộ đội chủ lực Miền ngay trong nội địa chiến trường miền Nam cho đến khi chiến tranh kết thúc, đẩy được phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao hơn trước.
Sau chiến thắng Lộc Ninh, Bộ Tư lệnh Miền chuyển về căn cứ Tà Thiết, Lộc Ninh. Tại đây, Bộ Tư lệnh Miền đã tiếp nhận sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy và Bộ Quốc phòng tổ chức thắng lợi Chiến dịch đường 14 - Phước Long. Đây cũng là chỗ đứng chân của Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long, Đồng Xoài là một trong những trận then chốt. Chiến thắng Đồng Xoài, ta giải phòng hoàn toàn quận lỵ Đôn Luân và đường 14, tạo điều kiện to lớn cho chiến dịch Phước Long thắng lợi. Địch bị mất đường 14 từ Nha Bích đến Bù Đăng, trong đó có 3 cụm cứ điểm lớn (Chi khu Bù Đăng, Đồng Xoài và yếu khu Bù Na), địch rất hoang mang, bọn tàn quân bị thất trận luồn rừng kéo về Phước Long, tinh thần hốt hoảng, hoang mang làm náo loạn cả tiểu khu Phước Long. Về mặt thế trận, Đồng Xoài bị thất thủ, Phước Long và quận lỵ Phước Bình bị bao vây, cô lập. Từ chiến thắng này đã động viên, cổ vũ, thôi thúc tinh thần quần chúng và toàn quân ta trên mọi miền đất nước tiến lên giải phóng; thế và lực của ta trên chiến trường miền Nam nói chung và miền Đông Nam bộ nói riêng càng lớn mạnh hơn bao giờ hết, làm tiền đề thắng lợi trong cuộc chiến tranh cách mạng, giải phóng miền Nam càng rõ nét.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào giải phóng Phước Long (06/01/1975). Nguồn ảnh: Bảo tàng Bình Phước.
Trận đánh Phước Long (ngày 6/01/1975) trở thành “đòn trinh sát chiến lược”, là một thực tiễn lớn để đánh giá khả năng phản ứng của quân Ngụy và khả năng can thiệp trở lại của Mỹ, góp phần hạ quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Sau chiến thắng, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975 đã kết luận: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn, chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc”. Với tư tưởng tiến công, Bộ Chính trị còn nhấn mạnh nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.
Địch rút chạy khỏi Bình Long, tạo điều kiện cho ta tiến công bao vây Chơn Thành. Chơn Thành là một căn cứ quân sự của Mỹ - Ngụy rất kiên cố. Nơi đây án ngữ lực lượng Quân giải phóng ở cửa ngõ Tây Bắc chặn đứng đường 13 trước khi đến Bến Cát, Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay), là lá chắn thép của địch ở cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định.
Ngày 02/4/1975, Chơn Thành hoàn toàn giải phóng làm cho vùng giải phóng được mở rộng, dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch trên đường 13 và Sài Gòn lập tức bị uy hiếp.
Lịch sử hào hùng của quân và dân tỉnh Bình Phước là động lực để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Phước tiếp tục phát huy trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Lộc Ninh, Đồng Xoài, Phước Long, Bình Long đều là những địa phương có cơ sở vật chất tương đối tốt, vị trí thuận lợi cho cho phát triển. Sự phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương sẽ tạo điều kiện thúc đẩy cho các địa phương khác và cho toàn tỉnh. Bình Phước là nơi kết nối giữa vùng Tây Nguyên đầy tiềm năng và khu vực Đông Nam bộ đang phát triển năng động, Bình Phước còn có thể kết nối với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Campuchia, Lào và cả vùng đông bắc Thái Lan. Song song với việc phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta phải xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, xây dựng các khu vực phòng thủ ở các huyện, thị xã nhằm tạo thế liên hoàn vững chắc của tỉnh về quốc phòng - an ninh gắn với các hướng trọng yếu trong phòng thủ đất nước, tạo thế chủ động, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.