Theo Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018, thời gian qua, với sự hỗ trợ của Tổng cục Hải quan, Bộ Y tế đã xây dựng và hoàn thiện phần mềm dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để kết nối liên thông với Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với 6 thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và môi trường y tế. Mới đây, Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) đã đề nghị Tổng cục Hải quan triển khai thí điểm 6 thủ tục hành chính mới trên Cơ chế một cửa quốc gia.
Cụ thể, 02 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm do Cục An toàn thực phẩm và 12 cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu quản lý gồm: Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra thông thường; Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu theo phương thức kiểm tra chặt.
04 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực môi trường y tế do Cục Quản lý môi trường y tế quản lý gồm: Cấp giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu để nghiên cứu; Cấp giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu phục vụ mục đích viện trợ; Cấp giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhập khẩu là quà biếu, cho, tặng; Cấp giấy phép nhập khẩu chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế do trên thị trường không có sản phẩm và phương pháp sử dụng phù hợp.
Ngoài ra, đơn vị này cũng đề nghị Tổng cục Hải quan thông báo cho các hải quan cửa khẩu về việc chấp nhận các Thông báo/Giấy phép nhập khẩu kết quả của các thủ tục hành chính nêu trên là bản điện tử có chữ ký số hợp pháp được chuyển về Tổng cục Hải quan trên hệ thống từ ngày 01/10/2019; trong thời gian thí điểm, các Thông báo/Giấy phép nhập khẩu là bản giấy vẫn có giá trị đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép.
Về Cơ chế một cửa quốc gia, tính đến ngày 31/8/2019, đã có 13 Bộ, ngành tham gia kết nối với 175 thủ tục hành chính được đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia; xử lý hơn 2,4 triệu bộ hồ sơ của 32 nghìn doanh nghiệp tham gia Cơ chế một cửa quốc gia.
Theo danh mục 61 thủ tục hành chính cần triển khai trong năm 2019 trên Cơ chế một cửa quốc gia, Bộ Y tế có 24 thủ tục hành chính. Nếu không tính 6 thủ tục trên, Bộ Y tế còn 18 thủ tục hành chính sẽ được tiếp tục triển khai để kết nối trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo kế hoạch.
Có thể nói, việc triển khai thí điểm 6 thủ tục hành chính mới để tiến tới triển khai chính thức các thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia nêu trên là nỗ lực của Bộ Y tế trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Danh sách 18 thủ tục hành chính Bộ Y tế còn phải triển khai trong năm 2019 theo kế hoạch
- Cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với trang thiết bị y tế đã có số lưu hành;
- Công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A;
- Cấp mới số lưu hành đối với trang thiết bị y tế chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng;
- Gia hạn số lưu hành trang thiết bị y tế;
- Cấp giấy phép xuất khẩu thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc;
- Cấp giấy phép xuất khẩu thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất cho mục đích thử lâm sàng, thử tương đương sinh học, đánh giá sinh khả dụng, làm mẫu kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, làm mẫu đăng ký;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có chứa dược chất chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, thuốc có chứa dược liệu lần đầu sử dụng tại Việt Nam;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có chứa dược chất đã có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị, thuốc có chứa dược liệu đã từng sử dụng làm thuốc tại Việt Nam nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu điều trị;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có hiệu quả vượt trội trong điều trị so với thuốc đang lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa có thuốc khác thay thế, đã được lưu hành tại nước sản xuất hoặc nước tham chiếu là nước thành viên ICH hoặc Australia, có đầy đủ dữ liệu lâm sàng về an toàn, hiệu quả theo quy định về đăng ký thuốc của Bộ trưởng Bộ Y tế và được Hội đồng tư vấn cấp Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề xuất sử dụng;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc hiếm;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc sử dụng cho mục đích cấp cứu, chống độc mà không có cùng hoạt chất và đường dùng với thuốc đang lưu hành tại Việt Nam, vắc xin dùng cho một số trường hợp đặc biệt với số lượng sử dụng hạn chế do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định trên cơ sở có dữ liệu đạt yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, độ an toàn;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc có cùng tên thương mại, thành phần hoạt chất, hàm lượng hoặc nồng độ, dạng bào chế với biệt dược gốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam, được sản xuất bởi chính nhà sản xuất biệt dược gốc hoặc bởi nhà sản xuất được ủy quyền, có giá thấp hơn so với thuốc biệt dược gốc lưu hành tại Việt Nam;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc phục vụ cho chương trình y tế của Nhà nước;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc viện trợ, viện trợ nhân đạo;
- Cấp giấy phép nhập khẩu thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất gây nghiện, thuốc dạng phối hợp có chứa dược chất hướng thần, thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất để trưng bày tại các triển lãm, hội chợ liên quan đến y, dược, thiết bị y tế để tham gia trưng bày tại các triển lãm, hội chợ;
- Cấp đơn hàng nhập khẩu dược liệu;
- Cấp giấy phép nhập khẩu mẫu bệnh phẩm.