Công nghệ blockchain có tiềm năng lớn trong việc kết nối và trao đổi thông tin. Việc ứng dụng công nghệ này trong trao đổi e-C/O và các chứng từ điện tử với các nước sẽ giúp rút ngắn được nhiều thời gian, chi phí và đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự bùng nổ mạnh mẽ về công nghệ thông tin. Theo các chuyên gia, công nghệ Blockchain được xem là một công nghệ "chìa khóa" cho chuyển đổi số và xây dựng nền tảng công nghệ thông tin tương lai, là điểm sáng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ Blockchain giúp lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó nhờ mã hóa. Chúng được quản lý bởi những người tham gia hệ thống chứ không thông qua đơn vị trung gian.
Ưu điểm nổi trội của Blockchain là đảm bảo tính bảo mật cao, loại bỏ tình trạng đánh cắp hoặc sửa đổi thông tin. Dựa trên nền tảng Blockchain, rất nhiều ứng dụng đã được ra đời như Uber, AirBnB,…
Theo đề xuất của Hải quan Hàn Quốc, Hải quan Việt Nam đang phối hợp, nghiên cứu nhằm bàn về chương trình thí điểm trao đổi dữ liệu xuất xứ (C/O) song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc thông qua ứng dụng công nghệ Blockchain.
Dự án thí điểm trao đổi C/O điện tử sử dụng nền tảng công nghệ blockchain giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc được triển khai trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia đang nổi lên mạnh mẽ và trở thành tâm điểm của Đông Nam Á về ứng dụng Blockchain.
Mặt khác, các số liệu thống kê cho thấy Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, có nhiều chứng nhận xuất xứ được trao đổi. Cụ thể, năm 2015, kim ngạch thương mại hai nước là 36,5 tỷ USD, đến năm 2018, con số này đã lên đến 66 tỷ USD. Tính đến hết tháng 7/2019, trị giá XNK song phương của hai nước đã đạt 37,6 tỷ USD.
Tháng 12/2018, Việt Nam và Hàn Quốc ký Bản ghi nhớ về Chương trình hành động thực hiện mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD vào năm 2020, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm tới.
Dự án thí điểm trao đổi chứng nhận xuất xứ (C/O) điện tử sử dụng nền tảng blockchain với Hải quan Hàn Quốc được bắt đầu triển khai từ năm 2018, nhằm xác nhận khả năng ứng dụng blockchain trong việc trao đổi dữ liệu qua biên giới và xây dựng mô hình ứng dụng blockchain để trao đổi C/O song phương; xác nhận về mặt kỹ thuật khả năng áp dụng blockchain trong việc trao đổi dữ liệu xuyên biên giới thông qua việc sử dụng hệ thống blockchain được thiết lập thông qua cơ quan hải quan giữa hai nước.
Trong giai đoạn thí điểm, Dự án sẽ tập trung đào tạo kỹ thuật về blockchain, trong đó Hải quan Hàn Quốc sẽ thực hiện đào tạo kỹ thuật và vận hành hệ thống về blockchain cho Hải quan Việt Nam, đào tạo cho người quản trị hệ thống, đào tạo các chức năng của cổng blockchain cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam và đào tạo cho doanh nghiệp xuất khẩu Hàn quốc do Hải quan Hàn Quốc thực hiện.
Về mặt kỹ thuật, hai bên sẽ đưa ra những xác nhận về kỹ thuật blockchain như: Thiết lập các chỉ số để xác định việc áp dụng đúng đắn trong lĩnh vực hải quan, nghiên cứu khả năng ứng dụng kỹ thuật thông qua việc sử dụng và vận hành cổng thông tin, dữ liệu được trao đổi thông qua cổng blockchain sẽ được trao đổi và xác nhận.
Trong các giai đoạn hợp tác tiếp theo, Hải quan Việt Nam và Hải quan Hàn Quốc sẽ phân tích nội dung liên quan đến C/O và hiện trạng hệ thống, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thiết lập hệ thống nhằm hướng tới trao đổi C/O điện tử.
Việc triển khai thành công trao đổi C/O điện tử sử dụng nền tảng Blockchain sẽ giúp rút ngắn các công đoạn, thủ tục và tránh được mọi rủi ro trong hoạt động hải quan giữa hai quốc gia, đặt nền móng đầu tiên để nhân rộng phương thức trao đổi C/O điện tử trên nền tảng công nghệ Blockchain trong khu vực và trên thế giới.