Ngành Tài chính triển khai thực hiện các cam kết CPTPP

Thứ ba - 21/05/2019 10:51
Hiệp định CPTPP là hiệp định thay thế hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi hiệp định này vào ngày 21/01/2017. Các nước thành viên còn lại của TPP thống nhất tiếp tục TPP dưới cái tên mới CPTPP trong bản Tuyên bố chung ngày 11/11/2017 tại Đà Nẵng bên thềm Hội nghị APEC 2017
Hiệp định CPTPP gồm 7 Chương và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 06/02/2016.
Về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn thực thi 20 nhóm nghĩa vụ được coi là có mức độ cam kết cao để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên còn lại trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
Hiệp định đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước; từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Hiệp định có hiệu lực sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế, trong đó 66% mặt hàng thuế sẽ về 0%; 86,5% mặt hàng thuế sẽ về 0% sau 3 năm.
Ngày 12/11/2018, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã chính thức thông qua Hiệp định CPTTP. Thủ tướng Chính phủ sau đó đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành để triển khai Hiệp định.
Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao một số công việc như: Xây dựng 2 Nghị định gồm: quy định xác minh xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, hợp tác hải quan và giám sát hải quan (bao gồm cả dệt may); Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của CPTPP và phối hợp với các Bộ, ngành khác thực hiện một số công việc thực thi Hiệp định.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính mới đây đã ký quyết định số 440/QĐ-BTC ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP của Bộ Tài chính.
Cụ thể, Bộ Tài chính sẽ tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn và xuất bản các tài liệu về các cam kết CPTPP và tình hình thực thi cam kết đối với các lĩnh vực phụ trách của Bộ Tài chính tới các đơn vị trong Bộ, các cơ quan thực thi cam kết ở địa phương và cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng Cổng thông tin điện tử (kết nối với Bộ Công Thương) về cam kết và thực thi Hiệp định CPTPP.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tài chính sẽ xây dựng Nghị định ban hành biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu theo quy định của CPTPP với quy trình, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các Quyết định về cơ quan đầu mối để thực thi các Chương của Hiệp định CPTPP, cơ quan đầu mối tham gia Hội đồng, các Ủy ban chuyên môn, các nhóm công tác của Hiệp định; xây dựng các thiết chế cần thiết để thực thi Hiệp định.
Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để chủ động thực hiện hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật
Đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn năng lực, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành dịch vụ chứng khoán, bảo hiểm của Việt Nam.
Bộ sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để tận dụng cơ hội và lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng Đề án tăng cường sử dụng hệ thống cảnh báo sớm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại; xây dựng, củng cố cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương trong các vụ việc phòng vệ thương mại; sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của Hiệp định hoặc các cơ chế khác khi cần thiết trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam; xây dựng Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các FTA thế hệ mới.
Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Hải quan là đơn vị chủ trì xây dựng Nghị định quy định xác minh xuất xứ đối với hàng hóa nhập khẩu, hợp tác hải quan và giám sát hải quan; xây dựng Thông tư quy định về xuất xứ trong CPTPP liên quan đến thực thi của cơ quan Hải quan; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Luật sửa đổi một số Luật để thực thi Hiệp định CPTPP đối với Luật sở hữu trí tuệ liên quan đến kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Tác giả: Duy Tân

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập991
  • Hôm nay147,733
  • Tháng hiện tại10,762,028
  • Tổng lượt truy cập470,654,715
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây