Hoạt động khoa học và công nghệ trong lĩnh vực Hải quan và những vấn đề đặt ra trong thời gian tới

Thứ năm - 27/05/2021 08:57 432

Công tác nghiên cứu khoa học của Tổng cục Hải quan từ năm 2015-2020 đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt, kể cả về số lượng các công trình nghiên cứu và chất lượng có chiều sâu với các nội dung đề tài được thực hiện, bao hàm hết được những vấn đề nổi cộm, phát sinh của thực tế hoạt động hải quan hiện đại, đón đầu được các chủ đề mới mang tính quốc tế, cũng như trực tiếp góp phần vào quá trình xây dựng hoàn thiện chính sách ngành Tài chính nói chung và Tổng cục Hải quan nói riêng

Trong giai đoạn năm 2015-2020, công tác nghiên cứu khoa học của Tổng cục Hải quan có sự khởi sắc mạnh mẽ về thực hiện các đề tài và sản phẩm khoa học với 112 nhiệm vụ được giao thực hiện, trong đó có 26 nhiệm vụ cấp Bộ và 86 nhiệm vụ cấp TCHQ). Lực lượng nghiên cứu của Ngành là đội ngũ cán bộ công chức hải quan có năng lực, có kiến thức tổng hợp chung, đặc biệt là những cán bộ có kiến thức về nghiệp vụ hải quan. Chủ nhiệm đề tài thường là các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, có vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện và là người chịu trách nhiệm về chất lượng đề tài và tiến độ nghiên cứu. Văn phòng Tổng cục, Ban Cải cách hiện đại hóa, Viện Nghiên cứu Hải quan, Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ngãi… là những đơn vị tích cực tham gia nghiên cứu thường xuyên của Ngành.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính (Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính), công tác nghiên cứu khoa học của Tổng cục Hải quan từ năm 2015-2020 đã đạt được nhiều tiến bộ rõ rệt, kể cả về số lượng các công trình nghiên cứu và chất lượng có chiều sâu với các nội dung đề tài được thực hiện, bao hàm hết được những vấn đề nổi cộm, phát sinh của thực tế hoạt động hải quan hiện đại, đón đầu được các chủ đề mới mang tính quốc tế. Các đề tài không chỉ cung cấp lý luận khoa học, trên cơ sở các vướng mắc thực tiễn đã đề xuất những giải pháp khả thi, tạo bước chuyển biến căn bản, ngày càng thể hiện rõ sự nâng cao năng lực khoa học và công nghệ của Tổng cục Hải quan. Bằng sự nghiêm túc, hiệu quả, các đề tài đều đạt chất lượng theo yêu cầu và đưa nhanh vào triển khai trong thực tế hoạt động nghiệp vụ của Ngành, như: góp phần hoàn thiện và xây dựng Nghị định và Thông tư trong lĩnh vực hải quan; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ môi trường, mô hình kiến trúc hải quan điện tử, xây dựng khung tiêu chuẩn quản lý rủi ro, tố tụng hành chính trong lĩnh vực hải quan… Nhiều đề tài là gợi mở cho một hướng đi mới trong sự nghiệp phát triển hiện đại hóa hải quan, đem đến hiệu quả hữu ích cho các hoạt động điều hành của toàn Ngành.

Một điều nữa, có thể khẳng định rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học của Tổng cục Hải quan đã có nhiều đổi mới và tiến bộ, có định hướng cụ thể, rõ ràng hơn, đặc biệt trong việc làm tốt công tác tham mưu, tư vấn cho Lãnh đạo Tổng cục Hải quan trong các hoạt động chỉ đạo điều hành các lĩnh vực quản lý của Ngành. Đến nay, cơ bản, định hướng nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Tổng cục Hải quan đã bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, Tổng cục và các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: thông qua công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, các đề tài đánh giá, dự báo những tác động và khó khăn liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan… từ đó tạo điều kiện giúp hoàn thiện thể chế, cách thức quản lý sao cho phù hợp.

Tuy nhiên, phát triển và ứng dụng kết quả khoa học là yếu tố quan trọng, là một trong những động lực đạt mục tiêu kế hoạch cải cách, hiện đại hóa hải quan nhưng cũng đang là thách thức trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đòi hỏi sự phát triển nguồn nhân lực KH&CN, đổi mới công nghệ, đẩy mạnh khoa học phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn tạo ra tri thức mới, hỗ trợ việc đưa ra quyết định; đổi mới mô hình quản lý theo hướng phục vụ- thông minh và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin phù hợp với Chiến lược phát triển của Ngành, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Trong thời gian tới, ngành Hải quan tập trung vào một số giải pháp cụ thể như sau:

- Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, nghiên cứu khoa học của Tổng cục Hải quan. Đồng thời, liên hệ và phối hợp cử cán bộ dự các lớp học về nghiên cứu, quản lý khoa học, đây là cơ sở quan trọng từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Khoa học. Chú trọng tìm các nhân tố mới, cán bộ trẻ có năng lực, say mê nghiên cứu khoa học.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong toàn ngành, ban hành chính sách sử dụng nguồn nhân lực KH&CN đặc biệt tại các Cục Hải quan địa phương. Sử dụng tối đa tiện ích mạng, đa dạng hoá thông tin khoa học, các kết quả nghiên cứu khoa học, các đề tài được tuyển chọn xét duyệt, nghiệm thu cho các đơn vị trong toàn Ngành, tạo điều kiện áp dụng tại các đơn vị hải quan địa phương. Khuyến khích các cán bộ hải quan địa phương có khả năng, say mê công tác nghiên cứu khoa học tham gia vào các nhóm nghiên cứu đề tài. Có chế độ kịp thời khen thưởng các sáng kiến, các đề tài có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.

- Mở rộng đội ngũ nghiên cứu viên ở cấp cơ sở, tiếp tục khuyến khích, động viên, bồi dưỡng các cán bộ làm công tác nghiệp vụ tham gia nghiên cứu, đề xuất đổi mới các quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại vào các cải cách, hiện đại hóa hải quan.

- Tăng cường ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ; chú trọng đến hàm lượng khoa học, thường xuyên xã hội hóa các kết quả nghiên cứu dưới dạng các báo cáo, bài đăng Bản tin, Tạp chí để phục vụ kịp thời công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, tránh tình trạng khi đề tài được nghiệm thu thì các định lượng chính sách đã thay đổi, kết quả nghiên cứu bị lỗi thời.

- Gia tăng các công trình NCKH, các đề án... giải quyết các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành; Theo dõi sát các đề tài, đề án sau khi nghiệm thu, hàng năm có tổng kết đánh giá để định hướng nghiên cứu cho các năm tới, ưu tiên dành nguồn nhân lực, tài chính cho những nhiệm vụ quan trọng trước mắt nhưng cũng không xem nhẹ các đề tài có tính định hướng.

- Phối hợp với các Viện Nghiên cứu chuyên ngành nghiệm thu, đánh giá chất lượng các công trình nghiên cứu và cùng triển khai phát triển ứng dụng, đưa kết quả nghiên cứu đi vào thực tiễn.

Ngày 18/6/2013, Quốc hội thông qua Luật khoa học và công nghệ và thống nhất chọn ngày 18/5 hàng năm là Ngày khoa học và công nghệ Việt Nam. Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống sản xuất, đồng thời cũng khơi dậy niệm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo, nghiên cứu khoa học góp phần xây dụng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học trong tương lai.

Tác giả bài viết: Tổng cục Hải quan

Nguồn tin: Tổng cục Hải quan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,195
  • Hôm nay922,503
  • Tháng hiện tại11,421,044
  • Tổng lượt truy cập384,541,381
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây