Tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, các địa phương nhằm tạo thuận lợi trong việc giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành công cho các tổ chức, doanh nghiệp và người dân bất kể trong hay ngoài giờ làm việc với mục tiêu chuyển từ Chính quyền quản lý sang Chính quyền phục vụ và kiến tạo.
Để sẵn sàng cho xây dựng Chính quyền điện tử về cơ bản có 3 yếu tố, đó là: hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và chỉ số ứng dụng Công nghệ thông tin. Trong 3 yếu tố này thì nguồn nhân lực vẫn luôn là khâu then chốt, là yếu tố cốt lõi để quản lý, vận hành CQĐT tỉnh Bình Phước thành công. Do đó, tỉnh ta rất quan tâm thúc đẩy xây dựng hạ tầng nhân lực.
Với nguồn nhân lực hiện có, có thể đáp ứng được điều kiện vận hành hạ tầng kỹ thuật và ứng dụng Công nghệ thông tin ở tỉnh. Tuy vậy, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chúng ta vẫn còn yếu về đào tạo, đào tạo lại cho Công chức viên chức về Công nghệ thông tin và An toàn thông tin.
Để xây dựng thành công chính quyền điện tử, đòi hỏi trong thời gian tới cần tập trung phát triển nguồn nhân lực CNTT tại chỗ, đảm bảo quá trình triển khai ứng dụng một cách hiệu quả. Cụ thể tại Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 02/11/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Kiến thúc Chính quyền điện tử tỉnh Bình Phước, đã đưa ra giải pháp thực hiện đối với nguồn nhân lực: Hình thành đội ngũ CNTT chuyên sâu; bổ sung, kiện toàn, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị; Bố trí biên chế để có hệ thống Chính quyền điện tử đủ mạnh và đội ngũ vận hành Chính quyền điện tử; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đối với đội ngũ cán bộ Công nghệ thông tin làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị của tỉnh; Đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, công chức về Công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, hiện nay UBND tỉnh đã cho phép thành lập Hội Tin học tỉnh Bình Phước và triển khai thực hiện (ban hành Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 26/7/2018) để gắn kết lực lượng đội ngũ Công nghệ thông tin của để nâng tầm cho địa phương về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển Chính quyền điện tử, Đô thị thông minh và Phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, cũng phải thúc đẩy hợp tác với tất cả các doanh nghiệp Viễn thông, Công nghệ thông tin có uy tín ở Việt Nam, vì mỗi doanh nghiệp có lợi thế, thế mạnh khác nhau, cùng nhau làm thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và có thể hưởng lợi từ nguồn nhân lực của doanh nghiệp, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực để quản lý và vận hành Chính quyền điện tử.