Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 26/06/2019 08:44
Mã độc là gì?Mã độc là một khái niệm chung dùng để chỉ các phần mềm độc hại được viết với mục đích có thể lây lan phát tán (hoặc không lây lan, phát tán) trên hệ thống máy tính và internet, nhằm thực hiện các hành vi bất hợp pháp nhằm vào người dùng cá nhân, cơ quan, tổ chức. Thực hiện các hành vi chuộc lợi cá nhân, kinh tế, chính trị hoặc đơn giản là để thỏa mãn ý tưởng và sở thích của người viết.
Phân loại và đặc tính của mã độc
Tuỳ thuộc vào cơ chế, hình thức lây nhiễm và phương pháp phá hoại mà người ta phân biệt mã độc thành nhiều loại khác nhau: virus, trojan, backdoor, adware, spyware… Đặc điểm chung của mã độc là thực hiện các hành vi không hợp pháp (hoặc có thể hợp pháp, ví dụ như các addon quảng cáo được thực thi một cách hợp pháp trên máy tính người dùng) nhưng không theo ý muốn của người sử dụng máy tính. Dưới đây chúng ta sẽ phân loại các mã độc theo các hành vi nguy hiểm mà nó thường xuyên thực hiện:
Trojan: đặc tính phá hoại máy tính, thực hiện các hành vi phá hoại như: xoá file, làm đổ vỡ các chương trình thông thường, ngăn chặn người dùng kết nối internet…
Worm: Giống trojan về hành vi phá hoại, tuy nhiên nó có thể tự nhân bản để thực hiện lây nhiễm qua nhiều máy tính.
Spyware: là phần mềm cài đặt trên máy tính người dùng nhằm thu thập các thông tin người dùng một cách bí mật, không được sự cho phép của người dùng.
Adware: phần mềm quảng cáo, hỗ trợ quảng cáo, là các phần mềm tự động tải, pop up, hiển thị hình ảnh và các thông tin quảng cáo để ép người dùng đọc, xem các thông tin quảng cáo. Các phần mềm này không có tính phá hoại nhưng nó làm ảnh hưởng tới hiệu năng của thiết bị và gây khó chịu cho người dùng.
Ransomware: đây là phần mềm khi lây nhiễm vào máy tính nó sẽ kiểm soát hệ thống hoặc kiểm soát máy tính và yêu cầu nạn nhân phải trả tiền để có thể khôi phục lại điều khiển với hệ thống.
Virus: là phần mềm có khả năng lây nhiễm trong cùng một hệ thống máy tính hoặc từ máy tính này sang máy tính khác dưới nhiều hình thức khác nhau. Quá trình lây lan được thực hiện qua hành vi lây file. Ngoài ra, virus cũng có thể thực hiện các hành vi phá hoại, lấy cắp thông tin…
Rootkit: là một kỹ thuật cho phép phần mềm có khả năng che giấu danh tính của bản thân nó trong hệ thống, các phần mềm antivirus từ đó nó có thể hỗ trợ các module khác tấn công, khai thác hệ thống.
Một số cách phòng chống mã độc hữu hiệu
Với các đặc tính của mã độc như đã giới thiệu ở phần trên, chúng ta có thể thấy mã độc thật sự rất nguy hiểm với người sử dụng thông thường. Cần có một phương pháp phòng chống mã độc và ngăn chặn một cách tổng thể và đơn giản nhất cho tất cả người. Họ không cần quá quan tâm tới các vấn đề kỹ thuật liên quan tới việc phát hiện, phân tích hay diệt mã độc. Trước hết cần nhận thức một cách rõ ràng rằng phòng tránh mã độc và ngăn chặn mã độc không chỉ dựa vào các phần mềm diệt virus mà còn liên quan tới cả nhận thức của người dùng. Một cách tổng quan nhất, việc phòng tránh mã độc và ngăn chặn mã độc là tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau. Dưới đây tôi xin tóm tắt một số biện pháp như sau:
Luôn luôn cài đặt và sử dụng một phần mềm diệt virus chính hãng. Ví dụ: Kaspersky, CyStack, Bitdifender, Avast, Norton, Bkav, … Việc xuất hiện một phần mềm diệt virus có thể chúng ta rất ít khi thấy mã độc nào được phát hiện hay diệt, tuy nhiên nó giúp chúng ta phòng tránh mã độc được các hiểm họa xâu xa và giúp chúng ta yên tâm hơn khi duyệt web hoặc download các phần mềm.
Xây dựng chính sách với các thiết bị PnP: Với các thiết bị loại này: USB, CD/DVD, … virus có thể lợi dụng để thực thi mà không cần sự cho phép của người dùng. Do đó, cần thiết lập lại chế độ cho các thiết bị và chương trình này để hạn chế sự thực thi không kiểm soát của mã độc. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng các thiết bị như USB, chúng ta không nên mở trực tiếp bằng cách chọn ổ đĩa rồi nhấn phím Enter, hoặc nhấp đôi chuột vào biểu tượng mà nên bấm chuột phải rồi click vào explore.
Thiết lập quy tắc đối xử với các file: Không nên mở hoặc tải về các file không rõ nguồn gốc, đăc biệt là các file thực thi (các file có đuôi .exe, .dll, …). Với các file không rõ nguồn gốc này, tốt nhất chúng ta nên tiến hành quét bằng phần mềm diệt virus hoặc thực hiện kiểm tra trực tiếp trên website: https://www.virustotal.com Khi có nghi ngờ được cảnh báo cần dừng việc thực thi file lại để đảm bảo an toàn.
Truy cập web an toàn: Quá trình truy cập web là nguyên nhân khiến máy tính dễ dàng bị nhiễm mã độc nếu người dùng không có nhận thực đúng đắn. Khi truy cập web cần chú ý: Không nên truy cập vào các trang web đen, các trang web độc hại, có nội dung không lành mạnh, không tuy tiện click vào các url từ các email hoặc từ nội dung chat, trên các website, … Các website và url như trên thường xuyên ẩn chứa các mã độc và chỉ đợi người dùng click, nó sẽ tự động tải về, thiết lập cài đặt để thực thi hợp pháp trên máy tính người dùng. Một ví dụ tiêu biểu đó là khi chúng ta phân tích và theo dõi các máy của các nhân viên văn phòng, các máy tính này hầu hết đều bị cài đặt các addon hoặc các phần mềm quản cáo do quá trình duyệt web chính bản thân người sử dụng đã cho phép addon hoặc phần mềm đó thực thi.
Cập nhật máy tính, phần mềm: Thường xuyên cập nhật các bản vá được cung cấp từ hệ điều hành, các bản vá cho các ứng dụng đang sử dụng và đặc biệt là cập nhật chương trình diệt virus. Đây là yếu tố quan trọng để tránh được các loại mã độc lợi dụng các lỗ hổng để lây lan, đồng thời cũng cập nhật được các mẫu mã độc mới để giúp phần mềm diệt virus làm việc hiệu quả hơn.
Nhờ chuyên gia can thiệp: Khi thấy máy tính có các dấu hiệu bị lây nhiễm cần tiến hành quét ngay bằng phần mềm diệt virus, nếu vẫn không có tiến triển tốt, cần nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia để kiểm tra máy tính, phát hiện và tiêu diệt mã độc ngay. Có thể việc này sẽ làm tốn thời gian và tiền bạc nhưng nó thật sự cần thiết vì rất có thể tác hại của việc để nguyên máy tính còn tốn kém và thiệt hại hơn rất nhiều lần.